|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai lần bút phê 'dọn đường' giúp đại gia Nguyễn Cao Trí của ông Mai Tiến Dũng

19:45 | 02/11/2024
Chia sẻ
Cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị cáo buộc dù không được phân công nhưng vẫn hai lần ký bút phê vào đơn kiến nghị để giúp đỡ ông Nguyễn Cao Trí.

Ngày 1/11, ông Mai Tiến Dũng cùng bà Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Trong 6 người bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ tại vụ án có cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp.

Theo kết luận điều tra, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở huyện Đức Trọng từ năm 2010. Công ty do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tổng diện tích đất quy hoạch thực hiện dự án 3.595 ha.

Quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Chính phủ xác định Công ty Sài Gòn Đại Ninh trong quá trình thực hiện dự án có nhiều vi phạm. Việc này thuộc các trường hợp thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án.

Ông Mai Tiến Dũng khi còn đương chức. (Ảnh: VGP)

Năm 2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án Đại Ninh. Nắm bắt được việc này, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, đã thỏa thuận mua lại dự án từ bà Hoa. Hình thức là mua lại cổ phần của công ty do bà Hoa và người thân đang nắm giữ.

Sau khi đạt được thỏa thuận chuyển nhượng dự án Đại Ninh, ông Trí được ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (đã chết), hướng dẫn gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ để chỉ đạo Thanh tra vào cuộc. Mục đích là để dự án được gia hạn, giãn tiến độ, không bị thu hồi.

Đầu tháng 10/2020, đại gia Trí cầm theo đơn ra Hà Nội gặp ông Mai Tiến Dũng tại trụ sở Văn phòng Chính phủ để trình bày. Ông Trí nhờ ông Dũng bút phê vào đơn, giao Vụ I, Văn phòng Chính phủ tham mưu, báo cáo lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, để chuyển đơn cho Thanh tra Chính phủ giải quyết, kết luận điều tra nêu.

Ông Dũng đồng ý, bút phê "chuyển vụ I" vào đơn của ông Trí và giao cho vụ trưởng Trần Bích Ngọc làm đề xuất. Từ đó, bà Ngọc soạn văn bản kiến nghị gửi Phó thủ tướng Thường trực giao Văn phòng Chính phủ chuyển đơn đến Thanh tra Chính phủ.

Sáu ngày sau, Văn phòng Chính phủ gửi văn bản đến Thanh tra Chính phủ với nội dung: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chuyển đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh để Thanh tra Chính phủ xem xét, giải quyết, trả lời doanh nghiệp".

Do đơn lần này chưa được giải quyết, ông Trí được ông Minh tiếp tục hướng dẫn làm đơn thêm một lần nữa, theo hướng lãnh đạo Chính phủ giao Thanh tra "giải quyết đơn", khi đó mới có cơ sở thực hiện.

Đầu tháng 1/2021, ông Trí một lần nữa hẹn gặp ông Dũng ăn sáng ở Nhà khách 35 Hùng Vương, để trình bày. Ông Trí đề xuất ông Dũng rằng thông qua Văn phòng Chính phủ báo cáo xin ý kiến Phó thủ tướng Thường trực chỉ đạo mạnh mẽ hơn, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, giải quyết.

Theo kết luận điều tra, thời điểm này, ông Dũng cũng nhận được ý kiến của cấp trên chỉ đạo phải quan tâm, giúp đỡ ông Trí nên đã bút phê hai lần vào đơn để giao bà Ngọc đề xuất. Không chỉ gặp người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, ông còn nhiều lần gọi điện, nhắn tin, gặp bà Ngọc để nhờ làm phiếu trình xin ý kiến Phó thủ tướng.

Ngày 25/1/2021, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của ông Trí đến Thanh tra Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực. Sau lần chỉ đạo này, ông Minh ký quyết định thành lập tổ công tác giải quyết kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh không đúng quy định pháp luật. Hành vi này đã tạo tiền đề cho hàng loạt sai phạm trong việc điều chỉnh, sửa đổi kết luận thanh tra, cho dự án Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ trái pháp luật.

Ngoài ra, ông Trí còn nhiều lần nhờ bà Ngọc tham mưu, báo cáo với lãnh đạo Chính phủ để dự án không bị thu hồi theo đúng đường hướng.

C03 kết luận việc Vụ I Văn phòng Chính phủ đề xuất Phó thủ tướng Thường trực đồng thuận cho dự án Đại Ninh được tiếp tục triển khai, gia hạn sử dụng đất trong khi các vi phạm của dự án chưa được khắc phục là không có căn cứ.

Ông Nguyễn Cao Trí trong phiên tòa hồi tháng 3 ở TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Quá trình "dọn đường", ông Trí đã cảm ơn ông Dũng 200 triệu đồng, bà Ngọc 50 triệu đồng.

Ông Mai Tiến Dũng khai ông Trí là doanh nhân "có mối quan hệ thân tình với lãnh đạo Chính phủ" - cấp trên của ông. Khi đưa đơn kiến nghị lần một chỉ là nhân tiện trong lúc ông Trí đang làm việc với Văn phòng Chính phủ về việc tài trợ máy thở và vật tư y tế chống dịch.

Vì ông Trí nói đã đề đạt và được cấp trên ủng hộ nên ông Dũng mới hai lần bút phê vào đơn, giao bà Ngọc đề xuất. Ông Dũng khai giúp ông Trí bút phê vào đơn vì nghĩ ông ta đã nhờ lãnh đạo Chính phủ đồng ý. Ngoài việc bút phê vào đơn, ông Dũng không ký vào bất kỳ tài liệu gì khác vì không phải là người được phân công phụ trách lĩnh vực này.

Quá trình điều tra, ông Dũng đã thừa nhận sai phạm, được ông Trí biếu 200 triệu đồng cảm ơn. Ngoài ra, ông Trí còn hỗ trợ 380 triệu đồng tiền mua quà lưu niệm cho lễ kỷ niệm của Văn phòng Chính phủ. Bị can Dũng đã phối hợp với gia đình nộp lại 580 triệu đồng để khắc phục.

Sau khi Thanh tra Chính phủ sửa kết luận, ông Trí đã đạt được mục đích là chuyển từ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện dự án. Ông Trí sau đó chuyển nhượng toàn bộ dự án Đại Ninh cho Tập đoàn Novaland, thu lợi 2.700 tỷ đồng.

Hồi tháng 4, trong vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB, ông Trí bị tuyên 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan. 

Phạm Dự

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.