|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

7 sai lầm đầu tư phổ biến nhất theo các chuyên gia tài chính

07:47 | 03/10/2021
Chia sẻ
Bước đầu tiên để giảm nguy cơ mắc lỗi khi tham gia thị trường chứng khoán là nhận thức được những sai lầm phổ biến nhất.
7 sai lầm đầu tư tài chính phổ biến nhất theo các chuyên gia tài chính - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

1. Liên tục theo dõi thị trường

Đây là sai lầm thường xuyên được các chuyên gia tài chính nhắc đến nhiều nhất.

Bà Danielle Harrison, chuyên gia hoạch định tài chính tại Harrison Financial Planning nói: "Tôi đã khuyên rất nhiều khách hàng của mình tắt TV đi và ngừng xem các bản tin thị trường hàng ngày".

Nhà đầu tư rất dễ bị cuốn vào không khí phấn khích hay u ám của đám đông. Thị trường liên tục vận động và việc cố gắng theo dõi theo thời gian thực có thể khiến bạn mua vào bán ra khoản đầu tư của mình quá thường xuyên, dù lẽ ra bạn nên nắm giữ chúng trong thời gian dài.

Ông Douglas Boneparth, Chủ tịch Bone Fide Wealth cho biết: "Nếu cứ xem tin tức liên tục, nhiều khả năng là bạn sẽ chỉ đạt được hiệu suất đầu tư kém cỏi hơn là khi gắn bó với chiến lược ban đầu".

Ông Joe Lum, cố vấn tại Intersect Capital giải thích lý do là việc nhìn thấy tỷ suất sinh lời âm mà không chú ý đến bối cảnh có thể dẫn đến quyết định vội vã, còn tỷ suất dương có thể tạo ra sự tự mãn.

"Nếu chúng ta chạy thi marathon, rõ ràng việc theo dõi quãng đường đã chạy mỗi khi tiến thêm được vài trăm mét là điều vô nghĩa. Đầu tư dài hạn cũng tương tự", ông chỉ ra.

Bà Harrison nói: "Đầu tư nên là công việc nhàm chán". Lời khuyên của bà là xem xét các khoản đầu tư theo hàng quý.

2. Chạy theo xu hướng

Dù là tham gia vào cơn sốt cổ phiếu penny hay đầu tư vào đồng tiền mã hóa mới nhất, chạy theo xu hướng là lỗi nhà đầu tư thường mắc phải.

Ông Boneparth nói với chuyên mục Select của tờ CNBC: "Rất nhiều nhà đầu tư mắc sai lầm là chạy theo xu hướng hay các tài sản có vẻ thú vị vì hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO)". Ông khuyến khích nhà đầu tư luôn nghiên cứu kỹ trước khi bỏ tiền vào thị trường.

Một lựa chọn khác là đầu tư thụ động vào thị trường chứng khoán thông qua các quỹ chỉ số. Con đường này không những giúp nhà đầu tư "tiết kiệm năng lượng" mà còn có thể sinh lời hơn là cố gắng mua bán các cổ phiếu đơn lẻ.

3. Nghe theo lời khuyên tồi trên mạng xã hội

"Tôi rùng mình trước những thông tin sai lệch về đầu tư và tài chính, đặc biệt là trên mạng xã hội", bà Harrison chia sẻ.

Hướng dẫn từ các chuyên gia rất đơn giản: Đừng làm theo lời khuyên đầu tư từ những người không biết tình hình tài chính cá nhân của bạn. Ví dụ: Bạn có thể được kêu gọi bởi một người nào đó trên mạng xã hội rằng hãy nhanh chóng đầu tư vào một công ty nhất định, nhưng họ không biết những lựa chọn đầu tư khác mà bạn có thể có. Có thể phương án tốt nhất của bạn là là bỏ tiền vào tài khoản hưu trí.

Hãy tự nghiên cứu khi đầu tư và đừng mù quáng nghe theo lời khuyên trên Facecbook, Reddit, TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác.

4. Bán ra quá sớm

Thời gian rất quan trọng trong đầu tư. Bạn nên nắm giữ các khoản đầu tư trong thời gian dài nhất có thể để tối đa hóa lợi nhuận. Quan điểm của bà Harrison: "Đầu tư là hành động mà bạn thực hiện với kỳ vọng tạo ra được lợi nhuận hợp lý trong thời gian dài".

Bà Lauryn Williams, nhà sáng lập công ty cố vấn Worth Winnings cho biết một trong những sai lầm lớn của nhiều người là thanh lý khoản đầu tư vì chúng không nhân đôi tài khoản trong vài ngày hay vài tuần.

Bà Williams cảnh báo: " Tăng trưởng nhanh đi kèm với rất nhiều rủi ro".

5. Đầu tư bằng khoản tiền bạn sẽ sớm cần đến

Sai lầm nghiêm trọng nhất mà ông Boneparth thấy nhà đầu tư mắc phải là nhảy vào thị trường trước khi xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh.

Trước khi đầu tư, bạn nên cảm thấy có đủ khả năng kiểm soát cách chi tiêu của mình. Một phần quan trọng là dành riêng một khoản dự trữ tiền mặt để bạn không cần phải dựa vào tài khoản chứng khoán trong trường hợp khẩn cấp hoặc mua món đồ nào đó.

Bà Harrison nói: "Thị trường chứng khoán có thể biến động dữ dội, và bạn chắc chắn sẽ ghét việc để mất số tiền vốn đã tiết kiệm để mua nhà".

Bà gợi ý rằng số tiền sẽ cần được dùng đến trong khoảng thời gian tương đối ngắn, ví dụ như là khoảng ba năm, không nên được đem đi đầu tư vào cổ phiếu.

6. Không có mục tiêu đầu tư rõ ràng

Một khi đã có tiền tiết kiệm để dành riêng cho tương lai gần, hãy đảm bảo rằng bạn có mục tiêu rõ ràng khi đầu tư.

Bà Danielle Harrison, chuyên gia hoạch định tài chính tại Harrison Financial Planning cảnh báo rằng đầu tư chỉ để đẻ ra tiền không phải mục tiêu hợp lý. Thay vào đó, mọi người nên coi tiền là công cụ để đáp ứng những mục tiêu khác. Đầu tư chỉ để đạt lợi nhuận cao bằng mọi giá là sai lầm mà bà thường thấy.

"Bạn không cần phải theo đuổi lợi nhuận cao đi kèm rủi ro lớn nếu có thể thỏa mãn mục tiêu của mình với những khoản đầu tư ít nguy cơ hơn".

Cuối cùng, lựa chọn không bao giờ đầu tư có thể là một sai lầm đắt giá. Giữ toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng có thể khiến tiền mất sức mua vì lạm phát.

"Một số người sợ đầu tư đến mức không bao giờ bắt đầu và vuột mất những gì mà lãi kép có thể đem đến trong dài hạn", bà Harrison chỉ ra.

Giang