66% người dân Anh không tin tưởng ngân hàng
Một chi nhánh của ngân hàng RBS ở thủ đô London, Anh (REUTERS) |
Cuộc khảo sát với 2.250 người trưởng thành ở Anh do hãng YouGov thực hiện cho thấy các ngân hành vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nhằm lấy lại niềm tin từ người dân dù đã nhiều lần tái cơ cấu, đóng tiền phạt và bồi thường vì những hoạt động sai phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước, theo Reuters.
Theo YouGov, 66% trong số người tham gia khảo sát không tin tưởng các ngân hàng đang hoạt động vì lợi ích tốt đẹp nhất cho xã hội. Trong khi đó, 72% người trưởng thành Anh tin rằng các ngân hàng phải bị phạt nặng hơn.
Một trong số những lý do dẫn đến sự sụt giảm niềm tin của khách hàng là tình trạng chứng khoán hóa nợ xấu của các ngân hàng ở Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới, theo YouGov. Các quan chức Anh cũng từng lên án trình trạng này.
Phản ứng trước thông tin trên, hiệp hội tài chính Anh UK Finance (đại diện cho các ngân hàng) tuyên bố: “Ngành tài chính nhận thức rất nghiêm túc trách nhiệm của mình đối với xã hội, và đã tiến hành những đợt cải tổ đáng kể trong vòng 10 năm qua”.
Theo UK Finance, một trong số những biện pháp cải tổ đáng chú ý là tăng lượng dự trữ vốn của ngân hàng, đồng thời tách biệt giữa tiền gửi của khách hàng với hoạt động đầu tư rủi ro của ngân hàng.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, các ngân hàng trên thế giới đã đóng trên 320 tỉ USD tiền phạt sau khi bị cơ quan chức năng điều tra về hoạt động bán nợ xấu bằng hình thức chứng khoán, thao túng lãi suất và tỉ giá hối đoái, theo Reuters.
Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 14.8 tuyên bố Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) của Anh bị phạt 4,9 tỉ USD vì hành vi lừa đảo nhà đầu tư từ năm 2005 đến 2008, theo đài CNN. Trong giai đoạn này, RBS đã thường xuyên đưa ra những báo cáo sai lệch để dụ dỗ các nhà đầu tư mua chứng khoán nhằm giải quyết những khoản nợ xấu, đồng thời che giấu nguy cơ bị phá sản, theo Bộ Tư pháp Mỹ.
Vào năm 2017, RBS cũng đã bị Mỹ phạt 5,5 tỉ USD vì những sai phạm thời khủng hoảng. Chính phủ Anh hồi năm 2008 đã phải bơm 58 tỉ USD để giải cứu ngân hàng RBS trước nguy cơ bị phá sản và hiện nắm cổ phần đa số tại đây.