Hệ thống ngân hàng nước Anh sẽ trụ vững dù đối mặt kịch bản Brexit tệ nhất
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh ở London. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Một loạt bài kiểm nghiệm trên được thực hiện đối với các cơ quan tài chính lớn đang hoạt động tại nước Anh hồi đầu năm 2018 do Ủy ban Chính sách Tài chính Anh (FPC) - cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính của BoE - đưa ra. Kết quả các bài kiểm nghiệm này được nêu trong Báo cáo Ổn định Tài chính (FSR) tháng 11/2018 của FPC công bố cuối ngày 28/11/2018.
Trong bài kiểm nghiệm “sức khỏe” 2018, BoE đã xây dựng mô hình giả định Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước Anh giảm 4,75%, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 9,5%, giá bất động sản và giá bất động sản thương mại giảm giảm 33-40%.
Ngoài ra, mô hình này dự kiến đồng bảng Anh giảm 27% và tỷ lệ lạm phát tăng 4%, trong khi GDP của thế giới giảm 2,4%. Theo FSR, lần đầu tiên kể từ năm 2008, toàn bộ bảy tổ chức tài chính đều vượt qua đợt sát hạch “sức khỏe” này.
Đợt kiểm tra sức khỏe này bao gồm một đợt suy thoái kinh tế thế giới, gây sức ép nghiêm trọng hơn cả kịch bản Brexit xấu nhất đối với nền kinh tế Anh, Thống đốc BoE Mark Carney cho hay Brexit là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đối với triển vọng kinh tế của nướcAnh.
BoE - Ngân hàng trung ương Anh - cảnh báo việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), khi hai bên không đạt được thỏa thuận sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở vương quốc này, khiến đồng nội tệ nước này sụt giảm 25% giá trị.
Trong một báo cáo công bố ngày 28/11, BoE cho rằng kịch bản Brexit không thỏa thuận nếu xảy ra có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội của nước Anh giảm 8% trong quý I/2019. Báo cáo đưa ra một loạt dự báo tình huống xấu nhất đối với kinh tế Anh, như tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức 4,1% hiện nay lên 7,5%, trong khi giá nhà đất sẽ giảm khoảng 30%.
Trước đó, một báo cáo của Chính phủ nước Anh cho rằng với kịch bản Brexit không thỏa thuận, GDP của Vương quốc Anh sẽ giảm 9,3% so với mức hiện tại trong 15 năm tới. Theo báo cáo, ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận, nền kinh tế nước này vẫn sẽ chịu thiệt hại, song mức độ sẽ nhẹ hơn đáng kể.
Trong kịch bản tươi sáng nhất, nếu nước Anh vẫn duy trì thương mại không rào cản với EU và không có thay đổi về cơ chế đi lại tự do giữa Anh và EU, nền kinh tế Anh sẽ thu hẹp 0,6%. Trong khi đó, nếu Anh và EU duy trì thương mại không rào cản nhưng chấm dứt cơ chế đi lại tự do, GDP của Anh sẽ giảm 2,1%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khó có thể đạt mục tiêu duy trì thương mại không rào cản, và London cùng Brussels sẽ đạt được một thỏa thuận ở mức "trung bình", kém phương án không rào cản song tốt hơn so với một thỏa thuận thương mại tự do thông thường.
Trong trường hợp này, kinh tế Anh sẽ suy giảm 2,1% nếu dòng lao động tự do giữa nước Anh và EU được bảo đảm. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh những số liệu này mang tính tham khảo nhiều hơn dự báo và nên được "diễn giải cẩn trọng".