|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

60% heo của Đồng Nai bị thiệt hại do dịch tả châu Phi, người dân 'bất lực, tòng tâm' không dám tái đàn

11:38 | 14/11/2019
Chia sẻ
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết lượng heo bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi là 60%. Nhiều hộ phải "bất lực tòng tâm" không dám tái đàn do lo ngại dịch quay trở lại và tài chính đã kiệt quệ.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết số lượng heo chết và tiêu hủy của Đồng Nai do bệnh dịch tả heo châu Phi là 60% tổng đàn toàn tỉnh chứ không phải 40% như số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố.

images584954_4_Phong_van1

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Ảnh: Báo Đồng Nai

Nói về vấn đề tái đàn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết hiện nay nhiều hộ nhìn thấy giá heo tăng cao mà "bất lực tòng tâm" bởi đợt dịch vừa qua khiến họ kiệt quệ về tài chính. 

Báo Đồng Nai trích lời ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (huyện Xuân Lộc), cho biết vài ngày nay, Đồng Nai cung cấp trung bình 1.200 - 1.500 con heo mỗi ngày ra thị trường miền Trung, miền Bắc nhưng chủ yếu là đi hai địa phương là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Lượng heo giảm từ 300 - 500 con so với tuần trước đó.

Nguyên nhân chủ yếu là nguồn heo trên địa bàn giảm mạnh, hầu như heo từ các công ty chăn nuôi lớn, heo nuôi nhỏ lẻ trong dân đã cạn nguồn.

Một lí do khác cho thấy thị trường heo thịt ngày càng thiếu hụt nguồn cung là lượng heo đi tiêu thụ có trọng lượng từ 40 - 80 kg/con. Heo trọng lượng lớn chỉ có một phần nhỏ heo nái loại thải trọng lượng từ 2 - 3 tạ/con được đưa đi tiêu thụ.

Cũng có nhiều hộ tái đàn nhưng dịch quay trở lại.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Công cho rằng cơ quan chức năng cần ra văn bản qui định các trang trại tái đàn mà bị dịch trở lại thì sẽ không được bồi thường.

"Khi tái đàn các hộ cần phải tự đánh giá về mức độ an toàn dịch bệnh của trại và phải đảm bảo yêu cầu mới bắt đầu nuôi trở lại. Nhà nước đã khuyến cáo về an toàn dịch bệnh khi tái đàn rồi mà vẫn không làm theo, đến khi bị dịch người chăn nuôi phải tự chịu.

Tránh trường hợp người dân thấy giá heo liên tục tăng mà bất chấp tái đàn trong khi không đủ điều kiện an toàn dịch bệnh. Không thể để tình trạng nuôi heo nếu sống thì bán được giá cao còn nếu heo chết thì nhà nước phải chịu", ông Công nói.

Đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh: "Có làm như vậy ngành chăn nuôi và người nông dân mới lớn được. Ai làm bài bản thì sẽ sống còn nhỏ lẻ thì khó".

Ông Công khuyến cáo đối với các hộ đã từng có heo bị tiêu hủy, chôn ngay tại trại thì chưa nên tái đàn lúc này bởi hiện vẫn chưa có vacxin phòng dịch.

H.Mĩ