6 thói quen ngăn cản bạn đến thành công cần từ bỏ ngay trong năm 2020
Với hầu hết chúng ta, thật dễ dàng để nói về những điểm mạnh của bản thân nhưng khi rắc rối xảy ra, chúng ta thường không biết tính xấu hay hạn chế nào của mình đã gây ra điều đó. Các nhà tâm lí học Eric Nelson và Robert Hogan cho rằng đó là thói quen rối loạn chức năng sẽ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho sự nghiệp và tài sản của một người, theo Harvard Business Reviews (HBR).
Chuyên gia HBR Tomas Chamorro Premuzic đã tập trung vào một số thói quen hoặc hành vi vốn từng đem lại lợi ích trong một số giai đoạn nhất định nhưng lại trở thành rào cản cho người trưởng thành.
Có lẽ tránh xung đột ở nhà khi còn nhỏ là có lợi, đổ lỗi cho người khác khiến bạn né được vô số rắc rối ở tuổi thiếu niên, cầu toàn ở giai đoạn đầu của trưởng thành đã giúp bạn đạt được kết quả cao. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, các thói quen trên lại trở thành chướng ngại ngăn cản bạn tiến tới thành công.
Dưới đây là 6 thói quen xấu điển hình phổ biến nhất và cách khắc phục.
Tìm cách tránh những khó khăn, xung đột
Thói quen này không phải là cảm giác e ngại các cuộc thảo luận khó khăn dù đó chắc chắn là một phần của đặc điểm này. Về bản chất, người muốn tránh xung đột trực tiếp thường tránh né hoặc đe dọa để che giấu sự bất an, sợ hãi, hoang mang hoặc sai lầm của bản thân.
Một khi bạn đã sẵn sàng nhìn nhận xu hướng tránh xung đột của bản thân là thói quen xấu, đối mặt với nó sẽ dễ dàng hơn. Nếu bạn lo lắng, hãy bắt đầu bằng cách viết ra kế hoạch đáp ứng với tình hình trực tiếp và thực tế.
Ví dụ, trong trường hợp bạn muốn nâng cao nguồn thu nhập bằng cách chuyển công việc mới hoặc ứng cử cho vị trí cao hơn, giải pháp tốt nhất là cải thiện hoặc học thêm kĩ năng mới.
Tính bốc đồng
Thói quen này có thể bao gồm các phản ứng cảm xúc khó đoán như tức giận và thất vọng, nhiệt tình theo đuổi ý tưởng mới mà không cân nhắc. Người có đặc điểm này dễ đành mất các mối quan hệ, sự hỗ trợ từ bên ngoài và động lực từ bên trong.
Nếu bạn cũng đang gặp vấn đề với tính bốc đồng của mình, hãy bắt đầu suy ngẫm về trải nghiệm, thành công và thất bại trước đó và những gì bạn đã bỏ lỡ vì nóng nảy. Đối với các dự án trong tương lai, hãy lường trước hậu quả bằng cách đặt một số câu hỏi như:
- Điều gì có khả năng thất bại nhất trong kế hoạch?
- Làm thế nào thuyết phục được mọi người hỗ trợ bạn?
- Tôi muốn trải nghiệm hay thu được những gì trong quá trình thực hiện mục tiêu?
Đổ lỗi cho người khác
Đây là thói quen xấu phổ biến nhất trong giới văn phòng và theo dữ liệu tâm lí học của Aperio, đổ lỗi cũng là nguyên nhân chính của các quyết định vô lí và thiếu sáng tạo. Những người thích đổ lỗi thường thổi phồng sự tiêu cực, biến mình thành nạn nhân và gây ảnh hưởng tới đồng nghiệp, các bộ phận hoặc người quản lí.
Để bỏ thói quen này, bạn phải đặt ra các giả định như:
- Bạn đã cố gắng hết sức và do đó, không đáng bị trách cứ về kết quả.
- Bạn bất lực và không phải chịu trách nhiệm về những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
- Người khác thực sự là nguyên nhân gây ra vấn đề và họ đáng phải nhận trách nhiệm.
Tiếp theo, chuyển sang chế độ giải quyết vấn đề: học hỏi từ thất bại, thừa nhận hạn chế hiện tại và tìm cách tận dụng quyền kiểm soát cũng như ảnh hưởng mà bạn có để cải thiện tình hình.
Kiểm soát quá mức
Có thể bạn chỉ đang cố gắng tránh rủi ro nhưng những người khác chắc chắn đang thấy một người cứng nhắc, thích săm soi và cứng đầu.
Trong những tình huống cực đoan, thói quen không ngừng kiểm soát sẽ bóp nghẹt các ý tưởng mới của bạn, khiến mọi người xung quanh e dè và người cuối cùng trở nên đơn độc chính là bạn.
Nếu bạn có xu hướng quản lí từng tiểu tiết, hãy nghiêm túc nhìn nhận lại tình hình hiện tại, chia sẻ mục tiêu và thực tế, nhận lời khuyên của mọi người và sự trợ giúp. Bạn cần giao tiếp nhiều hơn, đồng thuận với những quyết định chung để nới lỏng tính kiểm soát của mình.
Cầu toàn
Tất cả chúng ta đều nên cố gắng hết sức mình nhưng những người hướng đến sự hoàn hảo thường bỏ lỡ thời cơ tốt. Nhiều CEO bị ảnh hưởng bởi thói quen này đến mức họ không bao giờ hoàn thành công việc vì luôn thấy kết quả chưa đủ tốt.
Giải pháp là xác định các tiêu chuẩn cố định, nhận phản hồi của nhiều người khác về kết quả, chi phí và thời gian dự kiến thay vì áp đặt những mong đợi không thực tế do tính cầu toàn của bạn tạo ra.
Bạn có thể đặt ra những mục tiêu lớn như phải mua căn nhà trị giá 10 tỉ hoặc một chiếc ô tô giá 5 tỉ nhưng so với tình hình thu nhập thực tế, hãy đối diện với sự thật. Nếu mục tiêu là quá lớn, hãy thử hạ thấp các tiêu chuẩn của mình một chút.
Đặc biệt, tính cầu toàn còn ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ trong công việc và gia đình của bạn. Luôn áp đặt các tiêu chuẩn cao cho mọi người sẽ khiến họ cảm thấy mệt mỏi và muốn tránh xa bạn.
Ham muốn quyền lực
Đặc điểm này bao gồm cả thói quen thích kiểm soát mọi mối quan hệ, thiếu đồng cảm, tập trung tối đa vào mục tiêu cá nhân bằng mọi giá, không bao giờ thỏa hiệp hoặc xem người khác là phương tiện hành động. Những người ham muốn quyền lực có xu hướng đưa ra quyết định nhanh chóng và xa lánh mọi người xung quanh.
Để quyền lực che mờ tầm nhìn cũng như việc bạn để tiền bạc trở thành thước đo cho mọi quan điểm đạo đức và các mối quan hệ. Trên thực tế, những người đạt đến đỉnh cao danh vọng thường vô cùng hối tiếc khi đến độ tuổi về hưu.
6 thói quen xấu trên đây có thể đã từng là ưu điểm của bạn nhưng khi cân nhắc tới chặng đường lâu dài và các mối quan hệ, chúng sẽ trở nên có hại. Theo thời gian, bạn sẽ dần nhận ra những gì bản thân đang thiếu sót hay sai lầm và trở thành phiên bản tốt hơn trong năm mới.