|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tự kiểm soát: Chìa khóa tiết kiệm thành công hay nguyên nhân gây trầm cảm?

15:26 | 28/01/2020
Chia sẻ
Dù là yếu tố quan trọng của thành công, thói quen tự kiểm soát có những mặt trái khó lường.

Khả năng chống lại các cám dỗ thỏa mãn ngắn hạn có hại tới mục tiêu dài hạn là một đặc điểm nổi bật của những người thành công cả trong sự nghiệp và tài chính. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tự kiểm soát bản thân hiệu quả thường có sức khỏe, các mối quan hệ, tài chính và sự nghiệp tốt hơn.

Họ cũng hiếm khi gặp rắc rối do ăn quá nhiều, chi tiêu lãng phí, hút thuốc, lạm dụng rượu hoặc ma túy, trì hoãn hay hành động phi đạo đức. Vượt qua cám dỗ dường như còn đem đến hiệu quả tích cực. 

Những người có khả năng tự kiểm soát cao cũng hài lòng hơn với cuộc sống của họ và cảm thấy mọi trải nghiệm đều ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, thói quen tự kiểm soát có thực sự luôn có lợi? Một số nghiên cứu gần đây cho thấy thái độ kỉ luật quá nghiêm khắc với bản thân dẫn đến nhiều hậu quả xấu lâu dài.

Tự kiểm soát: Chìa khóa tiết kiệm thành công hay nguyên nhân gây trầm cảm? - Ảnh 1.

Tự kiểm soát: Chìa khóa tiết kiệm thành công hay nguyên nhân gây trầm cảm? - Ảnh minh họa. (Nguồn: HBR)

Tự kiểm soát có thể hạn chế trải nghiệm cảm xúc 

Một trong những lí do tại sao những người có khả năng tự kiểm soát cao chống lại những cám dỗ là vì họ không có những cảm xúc hoặc ham muốn mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là những người này có trải nghiệm cảm xúc ít mạnh mẽ hơn và phản ứng với các tình huống theo cách trung lập hơn. 

Ví dụ, chứng tự kiểm soát quá cao có thể ngăn cản bạn tận hưởng những cảm giác tích cực như niềm vui khi thăng chức, tăng lương hay mua được ngôi nhà đầu tiên trong đời.

Tự kiểm soát dẫn đến hối tiếc

Khi suy ngẫm về cuộc đời, nhiều người có xu hướng hối hận vì đã tự kiểm soát bản thân quá nghiêm khắc (ví dụ: chọn công việc thay vì thư giãn, du lịch) và không thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống. Trải nghiệm hối tiếc này chỉ xuất hiện sau một thời gian dài. 

Một CEO rất thành công và giàu có, người đã phải hy sinh rất nhiều thứ trong đời để đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, luôn cảm thấy bản thân đã bỏ lỡ nhiều thú vui và các mối quan hệ có ý nghĩa khi về hưu.

Tự kiểm soát khiến bạn dễ bị lợi dụng

Mọi người có xu hướng dựa vào những người có khả năng tự kiểm soát cao và điều này khiến họ trở thành đối tượng dễ bị lợi dụng và nhận nhiều trách nhiệm hơn. 

Một nhân viên rất giỏi có thể bị quá tải bởi yêu cầu giúp đỡ từ đồng nghiệp trong khi một thành viên đáng tin cậy trong gia đình thường xuyên khó xử với các yêu cầu vay tiền hoặc hỗ trợ tài chính.

Tự kiểm soát là con dao hai lưỡi

Những người tự kiểm soát hiệu quả luôn thành công hơn trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả những hành động xấu. Dù họ thường hiếm khi thực hiện những hành vi xấu như lái xe ẩu hay gian lận nhưng một khi họ tham gia, rất khó để phát hiện và ngăn chặn. 

Hầu hết những quan chức tham nhũng hay lãnh đạo doanh nghiệp cắt xén tiền ngân sách đều là những người được đánh giá cao về kỉ luật cá nhân. Vì vậy, họ chỉ bị phát hiện hành vi xấu khi hậu quả đã vượt xa tầm kiểm soát. 

Ngược lại, những người tự kiểm soát cao sẽ tuân thủ các quy tắc xã hội hết sức nghiêm ngặt, ngay cả khi các quy tắc này gây hại cá nhân tới cá nhân. 

Người Nhật Bản được xem là dân tộc có tính kỉ luật cao hàng đầu thế giới nhưng đi kèm với đó là tỉ lệ tự tử, chết vì kiệt sức khi làm việc cũng thuộc top đầu.

Kỉ luật bản thân không dành cho mọi người

Đối với một số người, kỉ luật bản thân là điều gì đó hết sức xa lạ, khiến họ cảm thấy đang đàn áp con người thực sự của mình nhưng tham vọng đạt được thành tựu lại quá lớn. Đây là lí do khiến hầu hết những người thành đạt và giàu có lại hiếm khi thực sự hạnh phúc.

Tự kiểm soát cực đoan gây hậu quả xấu cho xã hội

Các nhà đạo đức và hoạch định chính sách thường cho rằng các vấn đề xã hội phức tạp hoàn toàn có thể khắc phục nếu con người biết cách tự kiểm soát. Tuy nhiên, tư duy này che khuất các nguyên nhân xã hội, kinh tế hoặc chính trị tạo ra vấn đề. 

Ví dụ, dịch béo phì thường được xem là vấn đề của thói quen tự kiểm soát nhưng nguyên nhân còn nằm ở các yếu tố khác như giá thực phẩm chế biến giảm, lượng thức ăn được cung cấp hoặc tính chất công việc và giải trí ngày càng ít đòi hỏi vận động. 

Lối tư duy một chiều về ảnh hưởng của thói quen tự kiểm soát và hệ tư tưởng đặt trách nhiệm hoàn toàn lên cá nhân trong khi bỏ qua tác động của các yếu tố xã hội rộng lớn là hết sức sai lầm. 

Hầu hết các vấn đề xã hội lớn hiện nay đều bị chuyển thành các vấn đề kỉ luật bản thân đơn thuần. Tài chính cũng vậy. Nợ nần, nghèo túng không chỉ vì lười nhác. Một người khó có thể tiết kiệm nếu cha mẹ đau ốm, anh em cờ bạc hoặc không được giáo dục về tiền bạc.

Tự kiểm soát là chiến thuật quan trọng để đạt được mục tiêu nhưng thay vì coi tự kiểm soát là yếu tố quyết định duy nhất cho hạnh phúc và thành công, chúng ta cần nhìn nhận bản thân một cách toàn diện hơn.

Ngoài nghiêm khắc kỉ luật, chấp nhận những điểm yếu và hạn chế của chính mình cũng rất quan trọng. Các nhà tâm lí học gọi đây là lòng vị tha nội tại. Lòng vị tha nội tại không dẫn đến sự lười biếng và từ bỏ. Ngược lại, nó giúp mọi người cải thiện mình bằng cách hiểu rõ bản thân để đặt ra các mục tiêu thực tế hơn. 

Trong năm mới này, thay vì luôn khắc nghiệt và tự giới hạn bản thân, đôi khi tử tế với chính mình mới là cách tốt nhất để theo đuổi mục tiêu dài hạn và đạt được cảm giác hạnh phúc mà bạn mong muốn.

Thu Phương