|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

6 sai lầm về tài chính mà các cặp đôi mới cưới thường mắc phải

12:36 | 17/07/2019
Chia sẻ
Thay vì e ngại, né tránh những câu chuyện liên quan đến tiền bạc, các cặp vợ chồng "son" nên sớm nhận thức được những sai lầm tài chính trong gia đình trẻ và thay đổi ngay để có được hôn nhân bền vững, hạnh phúc.

Để giúp các cặp vợ chồng bắt đầu hành trình xây dựng nền tảng tài chính gia đình một cách vững chắc, Hiệp hội Những nhà ngân hàng Mỹ (ABA) đã chỉ ra 6 sai lầm về tiền bạc hậu đám cưới sau.

Tránh nói chuyện tiền bạc

Các cặp vợ chồng mới cưới thường ngại chia sẻ về tiền bạc khi vừa mới về chung một nhà. Tuy nhiên, nếu hai bạn chân thành thảo luận về tài chính với nhau để cùng giải quyết những vấn đề chung sẽ tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân của chính bạn. 

Đôi bên cần hiểu được mục tiêu tài chính và thói quen chi tiêu của bạn đời. Từ đó, hai bên sẽ có thể phát triển cách tiếp cận và quản lý tiền chung phù hợp với cả hai người.

Không lập ngân sách

Nhiều cặp vợ chồng thường quá mải mê chi tiêu tận hưởng cuộc sống chung sau đám cưới mà quên mất rằng mình cần phải thiết lập ngân sách càng sớm càng tốt cho cuộc sống. Sau khi cùng nhau đánh giá tài chính chung, hai bạn có thể xác định cách mình sẽ tiêu tiền mỗi tháng. 

Liệu có chi phí nhất định nào mà hai bạn nên cắt giảm và những khoản nào hai bạn nên tiết kiệm để dùng vào? Cùng đi đến một thỏa thuận về những vấn đề như vậy và thiết lập ngân sách phù hợp sẽ có lợi cho "sức khỏe" tài chính và mối quan hệ của cả hai.

Không có kế hoạch cho tài khoản chung

Không có cách nào hoàn toàn đúng để quản lí tài khoản của các bạn. Mỗi cặp vợ chồng có thể chọn có tài khoản chung cũng như những tài khoản riêng để tiết kiệm hoặc chi tiêu cá nhân. Thảo luận về những ưu tiên của nhau và quyết định xem như thế nào là thoải mái nhất cho cả hai bạn.

Không dành riêng một quĩ khẩn cấp

Cuộc sống có rất nhiều những rủi ro và thật không may thực tế là một trong số chúng có thể khá tốn kém. Đó là lí do vì sao cần có một quĩ khẩn cấp để giúp bạn bớt căng thẳng về tài chính trong trường hợp phát sinh xảy ra. Điều quan trọng ở đây là hai bạn nên cùng nhau quyết định về cách dành tiền cho quĩ dự phòng này như thế nào.

Không thiết lập giới hạn chi tiêu

Thực tế không phải việc mua bán nào cũng cần phải đem ra thảo luận, nhưng những khoản chi tốn kém có thể ảnh hưởng đến ngân sách gia đình thì nên được bàn bạc trước. Cùng nhau xác định từng mức chi tối đa có thể cho từng khoản. Đối với bất kì chi phí nào cao hơn ngưỡng đó, cả hai nên trao đổi, cân nhắc xem nó có thực sự cần thiết hay không.

Quên cập nhật người thụ hưởng

Khi đã là người "một nhà", hai bạn nên xác định người bạn đời của mình sẽ là người ưu tiên hưởng lợi từ di chúc, bảo hiểm nhân thọ hay tài khoản tiết kiệm giá trị lớn của bạn. Đừng đợi đến khi có vấn đề khẩn cấp phát sinh mới xử lí việc này.

Ngọc Huyền