5 điều cần biết về điều chỉnh lãi suất của Fed
Chứng khoán Châu Á chuẩn bị ra sao trước quyết định tăng lãi suất của Fed? | |
Tỷ giá USD hôm nay (13/6) đồng loạt tăng, chờ quyết định của Fed, ECB |
Lãi suất Fed nhắc đến trong các cuộc họp chính sách là lãi suất gì?
Lãi suất mà Fed đề cập đến trong các cuộc họp chính sách có tên là lãi suất quỹ dự trữ liên bang (Federal Funds Rate - FFR). Đây là lãi suất qua đêm mà các trung gian tài chính nhận tiền gửi (thường là các ngân hàng) cho nhau vay phần vốn dự trữ dư thừa tạm thời (hoặc thiếu hụt tạm thời) đang nằm tại quỹ dự liên bang, nhằm đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc do Fed quy định. Hay nói một cách dễ hiểu, FFR tương đồng với lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tại Việt Nam.
FFR được ủy ban thị trường mở (FOMC) công bố sau các phiên họp định kỳ, nó không mang tính chất ấn định cụ thể mà thực chất chỉ là một vùng lãi suất mục tiêu.Ví dụ FFR đang được Fed công bố là khoảng 1,5-1,75%/năm.
FFR là mức lãi suất thấp nhất mà các trung gian tài chính nhận tiền gửi có thể vay được trên thị trường bởi kỳ hạn vay ngắn nhất và mức độ rủi ro thấp nhất. Do đó, lãi suất này được coi là mức cơ bản, mức chuẩn để các tổ chức tín dụng thiết lập các mức lãi suất khác nhau trên thị trường tài chính.
Fed điều chỉnh FFR như thế nào?
Mỗi giai đoạn kinh tế khác nhau, Fed sẽ công bố FFR mục tiêu (Fed Funds target Rate) khác nhau để đảm bảo các mục tiêu tiền tệ cuối cùng mà Fed hướng tới. Việc tăng hay giảm FFR do Fed quyết định nhưng nó lại được tạo lập bởi thị trường liên ngân hàng.
Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng điều này là hợp lý bởi về bản chất Fed không trực tiếp bắt buộc các ngân hàng thương mại vay mượn nhau với mức FFR công bố mà thông qua các công cụ của mình, Fed sẽ điều chỉnh lượng tiền lưu thông trên thị trường liên ngân hàng, tác động đến cung cầu vốn của các ngân hàng thương mại, từ đó xác lập một mức lãi suất theo mục tiêu đã đặt ra. Hiểu đơn giản là Fed sẽ điều tiết cung tiền sao cho thị trường liên ngân hàng tự tạo lập được mức FFR mà Fed công bố.
Fed dựa vào đâu để điều chỉnh FFR?
Mục tiêu cuối cùng của Fed là ổn định giá cả và tạo việc làm, do đó hai thông số chính chi phối các quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed là chỉ số lạm phát và số lượng việc làm.
Nếu lạm phát ở mức thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao, Fed thường điều chỉnh giảm hoặc giữ nguyên lãi suất. Ngược lại, nếu lạm phát đạt giới hạn và số lượng việc làm tạo đang ở mức cao, Fed sẽ điều chỉnh lãi suất theo hướng giữ nguyên hoặc tăng lên.
Vì vậy, với các số liệu về lạm phát và việc làm được công bố, giới tài chính thường đoán được phần nào được xu hướng điều chỉnh lãi suất cũng như định hướng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Mỹ trong thời gian tiếp theo.
Việc Fed tăng FFR cho thấy điều gì?
FFR là cơ sở để thị trường tài chính xác lập các loại lãi suất trên thị trường như lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi, lãi suất trái phiếu… Việc Fed nâng FFR sẽ tác động làm tăng hầu hết loại lãi suất trên thị trường, từ đó, hạn chế nhu cầu vay mượn của các chủ thể trong nền kinh tế.
Trước đây, khi nền kinh tế Mỹ trì trệ, Fed nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất nhằm kích thích các chủ thể vay mượn lẫn nhau, gia tăng nhu cầu đầu tư để kích cầu nền kinh tế. Nhưng khi nền kinh tế đã đủ khỏe thì việc vẫn giữ nguyên một mức lãi suất thấp sẽ dẫn đến sử dụng vốn kém hiệu quả, dòng vốn đó sẽ chảy quá mức vào các lĩnh vực rủi ro. Khi đó sẽ dẫn đến hai hiện tượng nguy hiểm là bong bóng tài sản và lạm phát cao, gây nguy hại cho sự bền vững của nền kinh tế.
Do đó, việc tăng lãi suất của Fed cũng đánh đi tín hiệu là nền kinh tế Mỹ đã đủ khỏe mạnh để tự mình vận động trơn chu đồng thời mức lạm phát của Mỹ đang ở mức giới hạn mục tiêu mà FED đặt ra.
Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến đồng USD như thế nào?
Việc Fed công bố tăng FFR cho thấy chính sách tiền tệ của Fed đang thắt chặt dần, nghĩa là trong tương lai, cung tiền sẽ giảm một cách tương đối so với cầu, lãi suất vay mượn bằng USD sẽ gia tăng.
Việc lo ngại cung USD sẽ giảm tương đối so với cầu sẽ hối thúc các nhà đầu cơ tiền tệ tích cực tích trữ USD đồng thời các bên vay mượn USD sẽ tăng cường mua USD để trả nợ trước khi lãi suất tăng thêm. Từ đó, gia tăng nhu cầu USD ở thời điểm hiện tại và đẩy USD tăng giá so với các đồng tiền khác.
Như vậy những lo ngại trong tương lai chuyển thành diễn biến giá ở hiện tại. Đó là lý do tại sao USD liên tục tăng trong thời gian vừa qua và càng căng thẳng khi gần đến ngày Fed họp.