|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 công nghệ Mỹ phải bảo vệ bằng mọi giá để giữ ngôi vị siêu cường

13:52 | 25/10/2021
Chia sẻ
Giới chức tình báo cảnh báo vị thế siêu cường số một thế giới của Mỹ phụ thuộc vào việc duy trì vị trí dẫn đầu trong 5 công nghệ quan trọng mà các quốc gia đối thủ đang tìm cách đánh cắp.
5 công nghệ Mỹ phải bảo vệ bằng mọi giá để giữ ngôi vị siêu cường - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Các quan chức tình báo cho biết họ lo ngại việc các quốc gia đánh cắp công nghệ Mỹ không chỉ có thể cướp đi vị trí lãnh đạo kinh tế của Mỹ trong các lĩnh vực then chốt mà còn đe dọa khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong các ngành này. 

Theo CNBC, 5 công nghệ nhạy cảm mà các quan chức tình báo xác định là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Máy tính lượng tử, Sinh học, Chất bán dẫn, và Hệ thống tự hành.

Các quan chức chỉ ra hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp – đặc biệt là từ phía Trung Quốc – đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ trong những ngành như thép và tấm pin mặt trời.  

"Chúng tôi không muốn kết cục trên tái diễn trong 5 ngành này", ông Michael Orlando, Quyền giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia Mỹ (NCSC) khẳng định.

Trong mỗi ngành, những quốc gia địch thủ đã kết hợp cả biện pháp hợp pháp lẫn bất hợp pháp – từ tuyển dụng nhân tài cho đến mua bán sáp nhập và thủ thuật tình báo – để đánh cắp và thay thế công nghệ Mỹ.

Các quan chức nói rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không hiểu được rằng các mối quan hệ hợp tác với các thực thể Nga và Trung Quốc là một phần của chiến lược quốc gia của Moscow và Bắc Kinh nhằm có được những công nghệ quan trọng và hất cẳng doanh nghiệp Mỹ.  

Cơ quan tình báo lo ngại doanh nghiệp Mỹ sẽ không chỉ mất lợi thế mà còn hoàn toàn bị đẩy ra khỏi các lĩnh vực công nghệ thiết yếu trong thế kỷ 21, CNBC đưa tin. 

Ông Edward You, quan chức phản gián về công nghệ mới nổi và đột phá của NCSC cho biết Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương trong công nghệ y tế: "Một ngày nào đó chúng ta có thể tỉnh giấc và phát hiện rằng mình đã trở thành con nghiện sản phẩm y tế và phải lụy vào Trung Quốc".

 Ông You nói rằng điểm yếu này đã lộ rõ trong đại dịch COVID-19 và có thể còn trầm trọng hơn trong đại dịch tiếp theo.

"Mỹ quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Họ có thể phát triển biện pháp đối phó trước khi bất kỳ ai khác. Phòng thủ hiệu quả tương đương với tấn công. Trung Quốc có thể giữ lại nguồn cung giống như họ đã làm với khẩu trang. Họ có tất cả các lợi thế chiến lược".

Trí tuệ nhân tạo

Báo cáo của NCSC phát hiện rằng Trung Quốc "sở hữu sức mạnh, tài năng và tham vọng có thể vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI trong thập kỷ tới nếu xu hướng hiện tại không thay đổi".

Các quan chức viện dẫn bản cáo trạng của Mỹ năm 2020 về hai tin tặc Trung Quốc làm việc với Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc trong chiến dịch tấn công mạng kéo dài 10 năm nhằm vào một loạt các mục tiêu phương Tây, bao gồm cả một công ty AI có trụ sở tại Anh.

Giới chức cũng bày tỏ lo ngại về Nga, chỉ ra quan hệ đối tác giữa Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo và Quỹ Skolkovo của Nga. Ông Viktor Vekselberg, người đứng đầu Viện Skolkovo đã bị Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt vào năm 2018.

Máy tính lượng tử

Báo cáo NCSC cũng phát hiện rằng máy tính lượng tử sẽ đặt ra những thách thức về kinh tế và an ninh quốc gia.

"Một máy tính lượng tử quy mô lớn có thể giải mã những giao thức an ninh mạng được sử dụng phổ biến nhất, gây rủi ro cho cơ sở hạ tầng bảo vệ thông tin liên lạc kinh tế và an ninh quốc gia ngày nay".

Trong cuộc đua phát triển máy tính lượng tử thực tiễn, kẻ chiến thắng sẽ có lợi thế chiến lược khổng lồ. Báo cáo lưu ý rằng các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đang tuyển dụng chuyên gia Mỹ để thúc đẩy chương trình lượng tử của riêng họ.

Quyền giám đốc Orlando cho biết: "Bất kỳ ai có được máy tính lượng tử có thể phá vỡ mọi hệ thống mã hóa mà chúng ta có. Và radar lượng tử có thể phát hiện máy bay tàng hình và tàu ngầm của Mỹ".

Khoa học sinh học

Quan chức tình báo Mỹ đặc biệt chỉ trích WuXi Biologics, công ty Trung Quốc này đã mua nhà máy sản xuất của Pfizer và CMAB Biopharma Group tại Trung Quốc và nhà máy của Bayer ở Đức. WuXi cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất ở Delaware, Massachusetts và Ireland.

Do năng lực sản xuất khổng lồ của WuXi, doanh nghiệp Mỹ sản xuất vắc xin và các sản phẩm công nghệ sinh học khác có thể bị buộc phải sử dụng nhà máy do Trung Quốc kiểm soát.

Ông You chỉ ra: "Trung Quốc không cần phải ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ nữa. Nếu muốn sản xuất quy mô lớn, chúng ta phải dựa vào nhà máy của Trung Quốc, có nghĩa là chúng ta sẽ phải tự trao cho họ tài sản trí tuệ".

Chất bán dẫn

Bản chất mong manh của chuỗi cung ứng chất bán dẫn là điều ai cũng biết. Nhưng NCSC phát hiện rằng Mỹ đang lệ thuộc lớn vào một công ty ở Đài Loan. Báo cáo cũng chỉ ra rằng các địch thủ có thể tiếp cận chuỗi cung ứng và đưa những con chip đã bị tác động để đánh cắp dữ liệu vào hệ thống thương mại và phòng thủ của Mỹ.

Quan chức tình báo dẫn chứng một loạt các vụ mua bán công ty sản xuất chip nước ngoài của Trung Quốc. 

Hệ thống tự hành

Báo cáo kết luận rằng hệ thống tự hành cũng tiềm ẩn mối đe dọa an ninh. Nguyên nhân là hệ thống này làm tăng thêm mục tiêu mà tin tặc có thể nhắm đến trong tương lai và thu thập lượng lớn dữ liệu từ các bộ điều khiển ở Mỹ.

Các quan chức nhắc đến báo cáo hồi tháng 9 rằng Trung Quốc đã mua trái phép một công ty máy bay không người lái quân sự có trụ sở tại Italy nhằm sở hữu công nghệ tự hành. Báo cáo cũng lưu ý đến vụ bắt giữ cựu nhân viên Apple năm 2019. Người này bị buộc tội đánh cắp bí mật xe tự hành từ Apple với kế hoạch bán chúng cho đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc.

Giang