|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một công ty Đài Loan nắm trong tay vận mệnh nền kinh tế toàn cầu

09:28 | 20/05/2021
Chia sẻ
Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đẩy nhà sản xuất TSMC vào trung tâm của cuộc phục hồi kinh tế thế giới và căng thẳng Mỹ-Trung.
Một công ty ít người biết đến nắm trong tay vận mệnh nền kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Logo hãng sản xuất chip TSMC. (Ảnh: Reuters).

Trong suốt nhiều thập kỷ, Đài Loan là một trong những điểm nóng địa chính trị và trung tâm kinh tế thế giới. Trong khu công nghiệp cách Đài Bắc khoảng một giờ lái xe, hai đặc tính đó hợp nhất hoàn hảo dưới hình thức nhà máy của TSMC, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới. Cơ sở này quan trọng đến mức một số người Đài Loan nghĩ rằng đây là chỗ trú an toàn nhất nếu quân đội Trung Quốc đại lục tấn công.

Khó có thể nói hết tầm quan trọng của nhà sản xuất chip Đài Loan tới nền kinh tế toàn cầu. TSMC thống trị hoạt động sản xuất các linh kiện bán dẫn phức tạp nhất thế giới, đồng thời có những khách hàng lớn như Apple và Qualcomm. Có thể ví TSMC như bá chủ toàn cầu trong ngành bán dẫn.

Khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu khiến vai trò của TSMC càng trở nên quan trọng.

Các thị trường tài chính đang ngày càng lo ngại về việc tình trạng thiếu hụt chip thúc đẩy lạm phát ở phương Tây. Một số giám đốc còn dự kiến sự khan hiếm sẽ kéo dài hàng năm chứ không phải hàng tháng. Tình hình này làm dấy lên sự tò mò rằng làm cách nào một công ty ít người biết đến lại có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới đến vậy.

Con đường khó khăn phía trước

Thiếu hụt chip khiến giá ô tô, xe tải cũ và mới tăng vọt, dẫn đến giá tiêu dùng của Mỹ nhảy vọt 4,2% trong tháng 4. Thị trường chứng khoán ngay lập tức xảy ra điều chỉnh do nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát sẽ buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.

Sau khi thoát khỏi cú sốc suy thoái do đại dịch năm ngoái, các nhà sản xuất xe lại gặp khó khăn trong việc mua đủ chip để chế tạo xe. Chip không chỉ được dùng trong máy tính – chúng là bộ não của hàng loạt thiết bị thông thường và được tích hợp vào xe cộ.

Hồi tháng 4, Ford cho biết công ty sẽ chỉ sản xuất một nửa lượng xe so với thông thường cho đến tháng 6 vì không đủ chip. Các nhà sản xuất khác như GM, Volkswagen và Jaguar Land Rover cũng chịu tác động không nhỏ, tờ The Guardian cho biết.

Một công ty ít người biết đến nắm trong tay vận mệnh nền kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

Khoảng 5.000 chiếc xe chưa hoàn thiện bên ngoài nhà máy Volkswagen Navarra tại Pamplona do thiếu chất bán dẫn. (Ảnh: AFP)

Kết cục là xe hơi Mỹ trong tháng 4 đắt đỏ hơn 10% so với tháng 3, mức tăng giá lớn nhất kể từ khi có số liệu thống kê. Giá xe cũ tăng 21% so với tháng 4 năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt xảy ra đồng thời với nhu cầu gia tăng. Nhiều người tiêu dùng Mỹ đang rủng rỉnh sau khi hạn chế du lịch và ăn uống nhà hàng trong đại dịch, và giờ họ muốn tiêu tiền.  

Tình cảnh trên cũng xuất hiện ở nhiều nước. Doanh số bán xe và giá cả đang tăng nhanh ở Anh và Australia.

Giải pháp đơn giản là sản xuất thêm chip, nhưng việc mở rộng năng lượng sản xuất lại cực kỳ phức tạp, đắt đỏ và tốn nhiều thời gian. Thêm nữa thị trường dành cho chip cũng ảnh hưởng lẫn nhau.

Khi các hãng xe đóng cửa nhà máy trong làn sóng COVID-19 đầu tiên năm 2020, những nhà sản xuất như TSMC và Samsung chuyển sang chế tạo chip cho thiết bị điện tử tiêu dùng, mặt hàng có nhu cầu lớn khi người dân phải ở nhà do lệnh phong tỏa.

Các hãng xe làm vấn đề trầm trọng thêm vì không đặt trước đủ hàng, tin rằng nền kinh tế sẽ đóng băng lâu dài. Nhưng kinh tế thế giới, được trợ giúp bởi kích thích khổng lồ của chính phủ, đã phục hồi nhanh hơn nhiều người nghĩ, gây ra thình trạng thiếu linh kiện bán dẫn.

Các nhà phân tích tính toán rằng ngành ô tô sẽ tổn thất doanh thu 110 tỷ USD trong năm nay vì thiếu hụt chip.

"Sự phụ thuộc là mối đe dọa"

Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng về khu vực châu Á tại hãng tư vấn Capital Economics, nói rằng rắc rối của ngành ô tô cho thấy chất bán dẫn đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu đối với những sản phẩm vốn không được coi là điện tử. Đồng thời, tình hình nhấn mạnh sự phụ thuộc của thế giới vào Đài Loan trong việc cung cấp chất bán dẫn.

"Sự phụ thuộc này là mối đe dọa cho kinh tế toàn toàn cầu. Mối nguy có thể được giảm bớt nhưng sẽ không thể được giải quyết hoàn toàn trong tương lai tới", ông nói.

Tuy nhiên, thế mạnh cũng đẩy Đài Loan vào thế khó. Việc tập trung sản xuất chip ở Đài Loan có thể bị gián đoạn bởi động đất, hạn hán cũng như các mối đe dọa quân sự, và chúng là rủi ro tới kinh tế toàn cầu.  

Các siêu cường Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để bắt kịp TSMC, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng. TSMC được cho là đang xem xét mở rộng kế hoạch hiện tại để bơm hàng tỷ USD vào các nhà máy ở bang Arizona, Reuters đưa tin.

Trung Quốc cũng khao khát tăng cường khả năng sản xuất những con chip tinh vi nhất. Nhưng theo Capital Economics, cho đến nay Trung Quốc đã thất bại trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất như TSMC. Các biện pháp trừng phạt từ nhiệm kỳ Tổng thống Trump đối với nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc - SMIC - đã gây thêm khó khăn cho nước này.

The Guardian dẫn lời ông John Lee, chuyên gia cấp cao tại viện nghiên cứu MERICS cho biết cách tốt nhất để thế giới thoát khỏi rắc rối hiện tại là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia.

"Cách thông minh để xây dựng sức bền cho chuỗi cung ứng toàn cầu là tạo dựng sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, thay vì theo đuổi khả năng tự cung tự cấp với rủi ro và chi phí khổng lồ", ông Lee nói.

Giang