5 cách chọn nghề nghiệp sao cho phù hợp với bạn đời
Bạn nghĩ bí quyết để duy trì một tình yêu lãng mạn và một cuộc hôn nhân ngọt ngào là gì? Sự quan tâm? Hoa hồng? Nhẫn kim cương? Khoảnh khắc tình tứ bên ánh nến? Không phải!
Học cách kiểm soát chi tiêu cá nhân và lựa chọn một nghề nghiệp khôn ngoan mới là yếu tố quyết định.
Các nhà tâm lí học khuyên những người muốn cải thiện đời sống tình cảm nên xem xét lựa chọn nghề nghiệp và cách chi tiêu của họ đang ảnh hưởng đến các mối quan hệ như thế nào, dẫn tin từ BBC.
Các cặp vợ chồng đều biết tiền bạc thường là nguồn gốc của những cuộc cãi vã nhưng họ vẫn quên điều đó khi trao đổi về tài chính và lựa chọn nghề nghiệp với người bạn đời tương lai.
Những quyết định bạn đưa ra trong hai phần lớn nhất của cuộc đời có thể đóng một vai trò rất lớn trong việc giúp bạn xây dựng mối quan hệ hạnh phúc lâu dài.
Trong một số trường hợp, sự phản bội về tài chính có ảnh hưởng tương đương như một vụ ngoại tình, ông Martin Davis, nhà tâm lý học và cố vấn nghề nghiệp tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết.
Vì sự phức tạp trong lĩnh vực này, các chuyên gia của BBC đã liệt kê 5 chiến lược mới để giúp bạn đưa ra những quyết định phù hợp trong sự nghiệp và tài chính, giúp thúc đẩy đời sống tình cảm của bạn.
Không lựa chọn người làm cùng nghề
Có vẻ như hẹn hò hay kết hôn với ai đó có cùng nghề nghiệp là lựa chọn lý tưởng. Bạn sẽ có rất nhiều điều để nói với người đó và xác định mục tiêu nghề nghiệp chung.
Đúng! Nhưng đó chỉ là tất cả những cảm xúc tuyệt vời trong giai đoạn mới yêu lãng mạn và có thể phản tác dụng một cách ngoạn mục chỉ sau vài tháng.
Các cặp vợ chồng cùng ngành nghề, dù không cạnh tranh trực tiếp với nhau ở văn phòng, có nhiều khả năng chia tay vì họ sẽ ngừng theo đuổi những sở thích chung trong thời gian rảnh rỗi. Rốt cuộc, họ đã có những điều lớn nhất trong cuộc sống - công việc - làm điểm chung.
Theo các nghiên cứu từ Priceonomics, các luật sư, nông dân và những người trong ngành giáo dục có xu hướng chọn các đối tác cùng ngành và thường phải chịu kết quả không mấy hạnh phúc.
"Cuối cùng, các cặp vợ chồng cùng nghề có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống bởi công việc có thể trở thành vấn đề lớn trong mối quan hệ", Gail Kinman, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bedfordshire, cho biết.
Lựa chọn ngành nghề tương thích
Trong vài năm gần đây, các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã bắt đầu theo dõi những ngành nghề tương thích sẽ tạo nên một cặp đôi tuyệt vời.
Ví dụ, những người trong ngành quảng cáo và tiếp thị thường bị thu hút bởi các người làm nghệ thuật trong khi lực lượng hành pháp như cảnh sát, thẩm phán lại bị hấp dẫn bởi các nhân viên ngân hàng hoặc tài chính, theo nghiên cứu của ứng dụng hẹn hò The Grade.
Trang web hẹn hò eHarmony.com cũng nhận thấy rằng người làm việc trong một số lĩnh vực thường có xu hướng kết hôn hoặc bị thu hút bởi những người trong các lĩnh vực cụ thể khác.
Ví dụ, dữ liệu của eHarmony cho thấy 10 loại giao tiếp tương thích hàng đầu bao gồm: luật sư nam với kiến trúc sư nữ, nữ luật sư với phi công nam, nhà nghiên cứu nam với dược sĩ nữ và CEO nam với CEO nữ.
Theo giáo sư Michael Aamodt, giáo sư tại Đại học Radford, các tăng lữ, bác sĩ nhãn khoa và kĩ sư có khả năng kết hôn cao nhất.
Lên kế hoạch công việc trước tình cảm
Những lời phàn nàn về sự vắng mặt triền miên của những người chồng/ người vợ quá say mê công việc thực sự đáng ngại. Nhiều giờ làm thêm có thể khiến mối quan hệ của bạn biến mất một cách bất ngờ.
Sự bất ổn về thời gian làm việc thực sự có thể tác động tiêu cực đến các mối quan hệ nhiều hơn thời gian làm việc dài được lập kế họach trước.
Một người liên tục sắp xếp lại lịch trình vào phút cuối khiến trải nghiệm trở nên đau đớn và căng thẳng hơn, đặc biệt khi hai bạn đã trở thành gia đình.
Điều này cũng gửi thông điệp tới người bị bỏ lại rằng công việc luôn luôn là ưu tiên hàng đầu. Nhân viên ngân hàng hoặc dịch vụ thường xuyên gặp rắc rối khi lập kế hoạch làm việc trước.
Để giảm thiểu căng thẳng trong mối quan hệ ở mức tối thiểu, chuyên gia khuyên bạn nên cập nhật với đối tác những công việc phát sinh tiềm năng và chủ động bàn bạc kế hoạch dự phòng càng sớm càng tốt.
Các cặp đôi cần nhiều yếu tố tương thích để có thể tiến xa trong hôn nhân. - Ảnh: BBC
Bỏ qua đám cưới xa hoa
"Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, việc phô trương trong ngày trọng đại là không cần thiết", Andrew Francis-Tan, giáo sư tại Đại học Emory ở Atlanta, khẳng định.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 3.000 người Mỹ đã kết hôn và thấy rằng những người chi tiêu nhiều hơn cho đám cưới có hôn nhân ngắn hơn. Chi tiêu nhiều hơn có phải một nguyên nhân dẫn đến li dị hay chỉ là sự ngẫu nhiên vẫn chưa thể khẳng định.
Tuy nhiên,một cuộc khảo sát với 1.000 phụ nữ Mỹ đã đính hôn cho thấy 32% các cặp vợ chồng mắc nợ thẻ tín dụng sau đám cưới, theo trang web TheKnot.
Ví dụ, ở Malaysia và Ấn Độ, các gia đình thường rơi vào tình trạng nợ nần sau khi tổ chức hôn lễ trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Để bắt đầu cuộc sống hôn nhân một cách thoải mái, các cặp đôi sắp kết hôn nên giảm chi tiêu cho đám cưới ở mức có thể kiểm soát được, theo ông Francis.
Xác định nền tảng tài chính của bạn đời
Điểm tín dụng của bạn quan trọng hơn bạn nghĩ rất nhiều, đặc biệt trong chuyện hôn nhân. Một nghiên cứu năm 2015 sử dụng dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy các cặp vợ chồng có điểm tín dụng tương thích sẽ gắn bó lâu hơn các cặp vợ chồng có khoảng chênh lệch quá lớn về chi tiêu.
Các nhà nghiên cứu khẳng định điểm tín dụng thể hiện sự tin cậy và cam kết chung đối với các nghĩa vụ tài chính, bao gồm cả thanh toán nợ. Cũng theo nghiên cứu này, điểm tín dụng của một người còn phản ánh các giá trị cá nhân và lối sống cơ bản của họ.
Ngoài ra, khi trao đổi về các vấn đề tiền bạc tế nhị như uy tín tài chính, hãy tránh chỉ trích tình trạng hiện tại của đối tác. "Bạn hãy thông báo về những gì đang diễn ra mà không lan truyền quá nhiều lo lắng", Kinman nói.
Ngoài ra, việc thiết lập và bổ sung các quy tắc xử lí tài chính trong gia đình nên được quyết định từ giai đoạn đầu của mối quan hệ.