|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 biểu đồ lí giải tại sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu

16:41 | 05/02/2020
Chia sẻ
Trong khi chính phủ Trung Quốc chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của dịch virus corona, các nhà đầu tư lại đang chuẩn bị cho kịch bản kinh tế thế giới giảm tốc, đặc biệt là khi một số nhà phân tích cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán có thể gây thiệt hại nghiêm trọng hơn đại dịch SARS năm 2003.
5 biểu đồ lí giải tại sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc do dịch virus corona có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. (Ảnh: Getty Images)

Trước khi lan rộng sang nhiều quốc gia khác, đại dịch SARS lần đầu tiên bùng phát ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Theo nhiều ước tính, đại dịch này khiến khoảng 800 người tử vong và làm cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2003 giảm 0,5 - 1 điểm %.

Tuy nhiên, dịch virus corona, được cho là có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, lại giáng một đòn đau vào Trung Quốc ngay tại thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lớn mạnh hơn và có tầm ảnh hưởng không nhỏ trên toàn cầu.

Điều đó cho thấy bất kì áp lực nào đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào lúc này đều sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề hơn so với trước đây.

CNBC đã tổng hợp 5 biểu đồ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào kể từ đại dịch SARS.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Kể từ năm 2003, Trung Quốc đã tăng 4 bậc để từ hạng 6 vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Quốc gia châu Á này là động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới, trong đó Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính chỉ riêng Trung Quốc đã đóng góp 39% tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019.

5 biểu đồ lí giải tại sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu - Ảnh 2.

Ảnh: CNBC/World Bank, OECD

Ông Taimur Baig, nhà kinh tế trưởng kiêm Giám đốc phụ trách nhóm nghiên cứu tại ngân hàng DBS (Singapore), cho biết: "Cả thế giới thậm chí không để ý gì khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm khoảng 1 điểm % sau đại dịch SARS".

"Đó từng là một chuyện rất thường tình", ông chia sẻ với CNBC tuần trước. "Hiện nay, Trung Quốc đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Do đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,5 điểm % cũng sẽ gây ra một cơn địa chấn".

Ngành dịch vụ đóng vai trò lớn hơn

Tương tự đại dịch SARS 17 năm trước, sự lây lan của dịch virus corona nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng trước tiên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo mức sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng lần này có thể sẽ nghiêm trọng hơn so với năm 2003, đặc biệt là sau khi chính phủ Trung Quốc đóng cửa phần lớn tỉnh thành trên cả nước để ngăn dịch lây lan.

5 biểu đồ lí giải tại sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu - Ảnh 3.

Ảnh: CNBC/Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Chi tiêu tiêu dùng thấp sẽ gây áp lực cho ngành dịch vụ của đất nước tỉ dân, khi mà tỉ trọng của ngành này trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã lớn hơn nhiều so với năm 2003.

Điều đó đồng nghĩa rằng bất kì lực cản nào từ ngành dịch vụ cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn đến người dân Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại.

Thiếu ví tiền của khách du lịch Trung Quốc, kinh tế châu Á cũng vạ lây

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đã chi tiêu nhiều hơn ở nước ngoài. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, kể từ năm 2014 Trung Quốc là nước chi tiêu nhiều nhất cho hoạt động du lịch quốc tế, trong khi vào năm 2003, quốc gia châu Á này chỉ xếp hạng 7 trong danh sách.

Lệnh cấm nhập cảnh và số chuyến bay bị hủy bỏ kể từ khi dịch virus corona bùng phát có thể hạn chế chi tiêu du lịch của người dân Trung Quốc ở nước ngoài.

5 biểu đồ lí giải tại sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu - Ảnh 4.

Ảnh: CNBC/Tổ chức Du lịch Thế giới

Ông Kelvin Tay, Giám đốc phụ trách đầu tư của UBS Global Wealth Management tại châu Á, cho rằng sự việc trên là một mối đe dọa đối với nhiều nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực này.

"Nếu chỉ tính riêng châu Á, khách du lịch Trung Quốc hiện nay là động lực tăng trưởng quan trọng đối với nền kinh tế của hầu hết quốc gia trong khu vực", ông Tay nhận định.

Nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới

Về mặt thương mại, nhu cầu tiêu dùng gia tăng tại Trung Quốc đã biến nước này trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2009, theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

5 biểu đồ lí giải tại sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu - Ảnh 5.

Ảnh: CNBC/Tổ chức Thương mại Thế giới

Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới ở các mặt hàng như dầu thô, quặng sắt, đậu nành, cũng như các linh kiện điện tử như bảng mạch tích hợp.

Cùng với sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, nhu cầu của nước này đối với những hàng hóa trên có thể sụt giảm theo. Do đó, Reuters đưa tin rằng OPEC và các đồng minh như Nga đang cân nhắc cắt giảm sản lượng dầu thô trong bối cảnh virus corona gây ảnh hưởng đến nhu cầu của Trung Quốc.

Nhà xuất khẩu số một thế giới

Sự bùng phát của dịch virus corona cũng có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu thông qua kênh xuất khẩu của Trung Quốc. Theo số liệu của WTO, từ vị trí thứ 4 năm 2003, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới kể từ năm 2009.

5 biểu đồ lí giải tại sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên toàn cầu - Ảnh 6.

Ảnh: CNBC/Tổ chức Thương mại Thế giới

Các quốc gia như Nhật Bản và Việt Nam "phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc", ông Baig của ngân hàng DBS cho hay. Ông lí giải rằng các nước này nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm riêng và sau đó xuất ra nước ngoài.

"Nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm tốc và tác động lớn đến nhu cầu toàn cầu. Không dừng lại ở đó, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trung gian của Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng theo", ông Baig nhấn mạnh. 

Yên Khê