BVSC: Dịch corona sẽ tác động nhất định tới GDP Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP quí I chỉ quanh mức 6,5%
Tính đến ngày 5/2/2020, là nước có đường biên giới sát với Trung Quốc, Việt Nam đã ghi nhận 10 ca nhiễm virus Corona. Trước tình hình dịch virus corona lan sang tới Việt Nam, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây đã công bố báo cáo nhanh về tác động của dịch này đến kinh tế Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đó, BVSC cho biết, mặc dù số ca nhiễm chưa cao và cũng chưa có trường hợp nào tử vong nhưng Chính phủ Việt Nam cũng đã có những biện pháp tương đối mạnh nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, điển hình như: tạm dừng cấp visa cho khách du lịch từ Trung Quốc, tạm dừng các lễ hội chưa tổ chức, cho phép sinh viên, học sinh nghỉ học 1 tuần...
BVSC đánh giá những động thái trên sẽ có ảnh hưởng nhất định tới kinh tế Việt Nam.
Theo phân tích của BVSC, cũng giống như Trung Quốc, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh Corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí.
Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm đáng kể. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.
Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng 41,6%. Mặc dù tỉ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam. Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); vận tải, kho bãi (tăng 9,12%)...
Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Tính tổng các nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình suy giảm do dịch bệnh như như Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ; Vận tải, kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí hiện chiếm khoảng 17,3% trong GDP năm 2019.
BVSC cũng nhận định, ngoài khu vực dịch vụ thì khu vực nông lâm thuỷ sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Do đó, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông - lâm - thuỷ sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biên mậu phần nào bị ảnh hưởng chủ yếu do sự chủ động từ phía Việt Nam.
"Do đó, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoặc các cơ quan quản lí đưa được ra cách thức quản lí hợp lí để duy trì việc xuất - nhập khẩu hàng hóa trong khi vẫn kiểm soát con người vận hành, chúng tôi cho rằng các hoạt động này cũng sẽ nhanh chóng được nối lại, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam", BVSC nhận định.
Đối với khu vực công nghiệp – xây dựng, theo BVSC, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38,7%).
"Trên cơ sở đó, dịch bệnh tại Trung Quốc có thế gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam như điện thoại và linh kiện điện tử; máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, da giày…", BVSC nêu rõ.
Về tổng thể, với nỗ lực và các biện pháp quyết liệt của Chính phủ hiện nay, BVSC kì vọng mức độ lây lan của dịch Corona tại Việt Nam sẽ nằm trong tầm kiểm soát với số ca nhiễm và tử vong không lớn.
Bên cạnh đó, BVSC cũng đề nghị các cơ quan chức năng phải sớm tìm ra các biện pháp thích ứng với tình hình dịch hiện nay để đảm bảo bảo duy trì tính thông suốt của lưu thông hàng hóa và kiểm soát dịch bệnh (như tách bạch một đội ngũ lái xe, con người vận hành chuyên hoạt động từ cửa khẩu sang Trung Quốc và một đội ngũ hoạt động riêng trong nội địa…).
Trong kịch bản này, BVSC dự báo GDP trong quí I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn 0,2-0,4% so với cùng kì năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quí II/2020.
"Mặc dù vậy, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quí II/2020", BVSC nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/