|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

4 rủi ro khi xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam

07:26 | 08/10/2016
Chia sẻ
Theo báo cáo của ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, 4 rủi ro khi xuất khẩu gỗ là tính hợp pháp của nguyên liệu, hiểu biết về thị trường, thiếu hệ thống kiểm soát và sử dụng lao động.
nganh go viet nam dang doi mat voi 4 rui ro khi xuat khau “Rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam trong quá trình hội nhập là rất lớn”

Ông Phúc cho biết, rủi ro thứ nhất là tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Đối với gỗ khai thác trong nước, các doanh nghiệp phải loại trừ được gỗ khai thác bất hợp pháp như: gỗ có nguồn gốc từ rừng chuyển đổi bất hợp pháp, gỗ khai thác lậu từ các khu vực cấm, gỗ từ các khu vực nội chiến, gỗ tài trợ cho chiến tranh.

nganh go viet nam dang doi mat voi 4 rui ro khi xuat khau
Ông Tô Xuân Phúc trình bày báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Hồng Vũ)

Tại thị trường Mỹ, Đạo luật Lacey có hiệu lực năm 2008 quy định các hoạt động buôn bán các sản phẩm gỗ được khai thác, vận chuyển hoặc thương mại trái phép tại quốc gia xuất khẩu và Mỹ được coi là hoạt động phạm pháp.

Để tránh rủi ro về pháp lý trong việc tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo các sản phẩm gỗ của mình, bao gồm cả nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào là hợp pháp.

Tại thị trường EU, Chương trình Hành động FLEGT hay còn gọi là EUTR, có hiệu lực 03/3/2013, cấm khai thác gỗ trái phép và khi khai thác gỗ phải lưu trữ thông tin về người mua và người bán. Cá nhân, tổ chức khai thác gỗ phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc xuất xứ của từng loại gỗ với doanh nghiệp nhập khẩu.

Còn tại thị trường Úc, ngành gỗ cũng bị tác động bởi Luật cấm khai thác gỗ lậu và có hiệu lực từ cuối năm 2014 với những quy định trách nhiệm giải trình từ doanh nghiệp rất nghiêm ngặt.

Ông Phúc cho hay: "Việc loại bỏ các rủi ro về nguồn gốc các loài gỗ sử dụng trong thương mại giữa hai quốc gia là điều rất quan trọng, không phải chỉ để đảm bảo việc duy trì thị trường mà còn góp phần mở rộng nhanh thị trường xuất khẩu cho gỗ Việt Nam trong tương lai".

Rủi ro thứ hai là thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng hiệu quả. Các doanh nghiệp sẽ không kiểm soát được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung ứng có vi phạm quy định cấm hay không; gỗ có bị lẫn tạp nguồn nguyên liệu sử dụng trong sản phẩm phục vụ các thị trường khác nhau hay không?

Thiếu hiểu biết về thị trường bao gồm với việc gặp rủi ro về pháp lý tại thị trường xuất khẩu. Hiện, số doanh nghiệp nắm được các quy định của thị trường xuất khẩu còn hạn chế.

Cuối cùng là vấn đề về sử dụng lao động không có hợp đồng lao động, lao động ngoài độ tuổi lao động. Nếu áp dụng hình thức hợp đồng lao động ngắn hạn có thể gây ra nhiều khó khăn rủi ro cho doanh nghiệp.

Hồng Vũ