4 lý do giúp tăng trưởng GDP cao nhất 12 năm
Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm qua, kể từ 2011. Con số 8% cũng được các chuyên gia dự đoán từ đầu quý IV khi Việt Nam có một quý III tăng trưởng ấn tượng gần 14%.
4 động lực tăng trưởng 2022
Các chuyên gia chỉ ra rằng, có 4 động lực tăng trưởng cho năm 2022 đó là: Mức nền của năm ngoái thấp, tiêu dùng nội địa phục hồi sau đại dịch, giải ngân vốn FDI và xuất khẩu.
Phân tích về nguyên nhân giúp tăng trưởng GDP cao nhất trong 12 năm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lý giải, có hai yếu tố tạo nên sự bất thường này. Thứ nhất, tăng trưởng năm ngoái rất thấp và thứ hai là do quá trình hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.
"Chúng ta bắt đầu mở cửa nền kinh tế, bỏ hết các giải pháp ngăn sông cấm chợ và giãn cách xã hội. Sau gần 3 năm cầu tiêu dùng bị đè nén, đến quý II/2022 trở đi, tiêu dùng nội địa bùng nổ tạo nên động lực tăng trưởng", TS. Cung nói.
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương cũng đánh giá, mức tăng trưởng GDP 8,02% là cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả nhiều mặt hàng hoá, trong đó có năng lượng tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng cục trưởng TCTK cũng cho biết thêm, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung là khu vực dịch vụ (chiếm 56,65%). Kế tiếp, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8% so với 2021, loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 15,6%. Nếu so với 2019, thời điểm trước dịch cũng tăng tới 15%.
Xuất khẩu Việt Nam 9 tháng đầu năm thực sự tốt nhờ kinh tế các nước đối tác chính phục hồi, thặng dư thương mại hàng hóa trên 10 tỷ USD. Mảng này chỉ yếu dần kể từ tháng 10 nên cả năm ước đạt hơn 371 tỷ USD, vẫn tăng 10,6%.
Đồng tình với quan điểm con số tăng trưởng cao của năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào mức nền thấp của năm ngoái, GS. Nguyễn Mại nhìn nhận, năm 2022 là năm tăng trưởng cao nhất 12 năm nhưng chủ yếu là do nền thấp của năm ngoái. Vì vậy, khó hy vọng có tăng trưởng cao hơn nữa vào năm 2023.
Dù vậy, một điểm đáng chú ý được GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) chỉ ra là vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
"Lần đầu tiên chúng ta có chất lượng và hiệu quả thu hút FDI, dù vốn cam kết giảm nhưng vốn thực hiện cao nhất từ trước đến nay. Số lượng quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn", GS. Nguyễn Mại đánh giá.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 cần rất nỗ lực
Trao đổi với người viết về mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đề ra cho năm 2023, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng CIEM đánh giá, đây là một mức mà chúng ta sẽ phải rất nỗ lực.
Phần lớn dự báo của các tổ chức thế giới hiện nay đều đưa ra rằng Việt Nam sẽ ở mức tăng trưởng từ 6-6,5%, thậm chí IMF còn mới cập nhật dự báo mới nhất là Việt Nam chỉ tăng trưởng 5,8% trong năm 2023.
Nguyên nhân là do các động lực tăng trưởng của năm 2022 hầu hết đã không còn "đà" ở 2023. Hai động thực quan trọng là mức nền thấp và tổng cầu nội địa bùng nổ sau dịch đã không còn.
Về xuất khẩu, nhịp độ tiêu dùng toàn cầu chắc chắn sẽ giảm tốc và Việt Nam không ngoại lệ. Xuất khẩu chắc chắn khó tăng trưởng mạnh như năm nay. Bù lại, nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh vấn đề đa dạng thị trường, dư địa tăng trưởng vẫn còn. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại.
Trung Quốc mở cửa và tăng trưởng tốt hơn thì nhu cầu tốt cũng tốt hơn, Việt Nam có thể khai thác thị trường này để giảm bớt khó khăn.
Về động lực vốn FDI, Việt Nam khó thì thế giới cũng khó, nhưng vấn đề là mình có thu hút được khách nước ngoài không, có hấp dẫn không để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Phải làm sao tiếp tục cải cách để thực hiện xây dựng Việt Nam thành điểm không chỉ để các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu mà hấp dẫn đến mức họ “xuống tiền” đầu tư, TS. Võ Trí Thành đặt vấn đề.
"Đầu tư tư nhân hiện rất khó tăng trưởng trong bối cảnh tiếp cận vốn, thị trường có những vấn đề khó khăn. Vì vậy, điểm quan trọng là thúc đẩy vốn đầu tư công là một động lực mà chúng ta có hy vọng để thúc đẩy quá trình phục hồi", ông Thành nói.
Đề cập đến giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023 trở nên mạnh mẽ hơn tại toạ đàm “Triển vọng kinh tế 2023: Thúc đẩy tăng trưởng từ nội lực” diễn ra ngày 28/12, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay vướng mắc trong đầu tư công có rất nhiều, nhưng nổi cộm nhất là khó khăn liên quan đến Luật đất đai. Nhưng việc sửa đổi Luật đất đai cần thời gian và trình qua ba kỳ Quốc hội.
Thứ hai là trong đầu tư công thì có nơi giải ngân tốt và có nơi giải ngân không tốt. Vậy thì hiện nay có những quy định là nơi giải ngân đầu tư công tốt và cần vốn nhưng lại không được điều chỉnh bổ sung vốn từ nơi đang giải ngân chậm. Hiện nay các cơ quan Nhà nước cũng đang rốt ráo tìm các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc hàng loạt này.