4 lý do để tin rủi ro lạm phát không quá lớn
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều với mức của cùng kỳ hai năm gần đây (năm 2015 tăng 0,74%; năm 2016 tăng 1,25%).
Tuy nhiên, chỉ số lạm phát toàn phần tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhóm giao thông và các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Nếu loại trừ các nhóm hàng này ra thì chỉ số lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 có mức tăng không quá lớn, chỉ là 1,66%.
Theo bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặc dù có mức tăng khá nhanh ngay từ thời điểm đầu năm nhưng diễn biến lạm phát trong các tháng tới sẽ không gặp quá nhiều rủi ro do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế về cơ bản đã hoàn thành xong bước 2. Ước tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn 5 trên tổng số 63 tỉnh thành chưa thực hiện điều chỉnh xong. Do vậy, mức độ ảnh hưởng còn lại của lộ trình tăng giá dịch vụ y tế trong các tháng tới sẽ không lớn.
Đối với nhóm hàng giáo dục, lộ trình tăng giá nhóm hàng này, bao gồm học phí các câp học từ mầm non đến đại học, theo Nghị định 86 sẽ khiến chỉ số CPI chung mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 0,3% từ nay đến năm 2021. Đây là mức tăng nhỏ, khó gây đột biến đến chỉ số lạm phát chung.
Thứ hai, giá dầu thế giới sau giai đoạn hồi phục khá mạnh kể từ cuối năm 2016 đang cho dấu hiệu điều chỉnh và có thể sẽ ổn định quanh mức 50 USD/thùng trong thời gian tới. Nhờ đó, áp lực tăng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm bớt, giá nhóm hàng giao thông sẽ tránh được mức tăng đột biến.
Giá xăng vừa giảm lần thứ ba liên tiếp trong vài tuần qua với mức giảm tổng cộng là 4,8% đối với xăng. Trong khi đó giá xăng cũng đã giảm khoảng 2,1% so với đầu năm.
Thứ ba, tình hình thời tiết trong năm 2017 có thể sẽ bớt cực đoan hơn năm 2016, khiến nguồn cung lương thực thực phẩm được đảm bảo.
Thứ tư, độ trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ trong hai năm 2015, 2016 và xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất có thể sẽ khiến chi phí tài chính của các doanh nghiệp tăng, buộc các doanh nghiệp này phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp lại. Mặc dù vậy, tác động của yếu tố này được đánh giá ở mức khá nhỏ. BVSC duy trì dự báo lạm phát bình quân cho cả năm 2017 sẽ vẫn dao động ở mức từ 3%-4%.