|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

4 kịch bản tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu

01:36 | 09/03/2020
Chia sẻ
Các nhà kinh tế của Bloomberg Economics vừa đưa ra 4 kịch bản tác động của dịch virus corona chủng mới (Covid-19) đối với kinh tế toàn cầu.
4 kịch bản tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Kịch bản dự báo lạc quan nhất của Bloomberg Economics: Kinh tế toàn cầu tổn thất không đáng kể nhưng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ mất mát 0,7 điểm phần trăm, về mức 5,2% so với mức dự báo 5,9% trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ảnh: Bloomberg

Theo họ, trong kịch bản lạc quan quan nhất, Trung Quốc sớm khống chế hoàn toàn dịch Covid-19 và các hoạt động sản xuất ở nước này khôi phục hoàn toàn vào quí 2, giúp hạn chế tổn thất cho kinh tế toàn cầu. Trong kịch bản tồi tệ nhất, tức dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu và biến thành đại dịch, nó có thể gây tổn thất cho kinh tế toàn cầu 2.700 tỉ đô la Mỹ.

Điểm xuất phát cho phân tích của Bloomberg Economics là những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi đang chứng kiến doanh số bán xe giảm 80% và hoạt động đi lại giảm 85% so với mức bình thường, trong khi đó, hoạt động ở các nhà máy giảm sâu về mức thấp kỷ lục. Nói cách khác, nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế gần như đứng im. Dựa vào các hướng dự báo tình hình của dịch Covid-19 trong thời gian tới, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics đưa ra 4 kịch bản tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế toàn cầu như sau:

Trung Quốc hứng đòn nhưng thế giới chỉ tổn thất hạn chế

Nếu Trung Quốc có thể nhanh chóng dập tắt dịch Covid-19 và các nhà máy ở nước này nối lại hoạt động bình thường trong quí 2, thì tác động của dịch bệnh này đối với nền kinh tế toàn cầu chỉ ở mức hạn chế.

Đó là một khả năng có thực. Một cuộc khảo sát của Made-in-China.com, một nền tảng kết nối các nhà cung cấp Trung Quốc với khách hàng nước ngoài, cho thấy tính đến cuối tháng 2, 80% công ty sản xuất của Trung Quốc đã nối lại hoạt động. Li Lei, Giám đốc của Made-in-China.com, dự báo đến cuối tháng 4, hoạt động sản xuất của Trung Quốc co thể trở lại mức bình thường.

Nếu kịch bản này xảy ra, một cú sốc nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 sẽ được bù đắp bằng cú phục hồi nhanh chóng trong nửa cuối năm. Dù vậy, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tổn thất khá nặng với mức tăng trưởng cho cả năm 2020 giảm 0,7 điểm phần trăm về mức 5,2% so với mức dự báo 5,9% trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Tổn thất của nền kinh tế toàn cầu nói chung và các nền kinh tế lớn khác như Mỹ sẽ được hạn chế và khó nhìn thấy rõ trong dữ liệu GDP của toàn bộ năm 2020.

Chưa có nước nào có số ca nhiễm lên đến con số 80.000 như ở Trung Quốc và các nước dân chủ ở phương Tây có thể không triển khai các biện pháp khống chế dịch quyết liệt giống như cách mà Trung Quốc phong tỏa toàn bộ tỉnh Hồ Bắc với dân số 60 triệu người. Dù cách tiếp cận ít khắc nghiệt đó có thể gây tác động nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng, nó cũng có thể giúp hạn chế tác động ngắn hạn đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, kịch bản kinh tế toàn cầu phục hồi trong quí 2 bắt đầu không đứng vững khi dịch Covid-19 đang lan rộng ra nhiều nước khác.

Dịch tác động nhiều nền kinh tế lớn, tăng trưởng toàn cầu về mức 2,3%

Cách đây một tháng, dịch Covid-19 chủ yếu hoành hành ở Trung Quốc và các nền kinh tế bên ngoài chỉ bị tác động dây chuyền khi chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn ở Trung Quốc. Nhưng đến đầu tháng 3, dịch bệnh lan rộng ra nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới với số ca nhiễm đã vượt 7.300 ở Hàn Quốc, gần 6.000 ở Ý và lên hàng trăm ca ở Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, Anh. Nền kinh tế của các nước này có thể chịu tổn khá nặng do tác động của dịch Covid-19.

Hơn nữa, Trung Quốc có thể mất nhiều thời gian hơn để đưa hoạt động sản xuất về mức bình thường. Điều này có nghĩa là kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi theo hình chữ U chứ không phải chữ V.

Li Lei, Giám đốc của Made-in-China.com , nói: “Thậm chí, khi các nhà máy hoạt động trở lại, không phải mọi vấn đề đều được giải quyết. Nhiều nhà máy không đủ hàng tồn kho. Các vấn đề ở chuỗi cung ứng có thể kì hãm sản lượng của họ”.

Các nhà kinh tế của Bloomberg Economics đặt ra kịch bản tất cả các nước có 100 ca nhiễm trở lên tính đến tuần đầu tháng 3 sẽ hứng chịu cú sốc tương đương 50% so với cú sốc mà dịch Covid-19 gây ra ở Trung Quốc.

Trong trường hợp như vậy, họ dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ lùi về mức 2,3% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,1% được đưa ra hồi đầu năm. Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 4,4%, tức tổn thất 1,5 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng dự báo hồi đầu năm. Tăng trưởng của Mỹ sẽ tổn thất 0,2 điểm phần trăm nhưng tăng trưởng của các nước như Nga, Nhật Bản, Đức, Pháp sẽ thiệt hại từ 0,9-1,3 điểm phần trăm.

Tăng trưởng toàn cầu giảm sâu nếu dịch lây lan rộng hơn

Trong kịch bản thứ ba, Bloomberg Economics giả định dịch Covid-19 lây lan rộng và nghiêm trọng hơn nữa; các nước có 100 ca nhiễm trở lên tính đến tuần đầu tháng 3 như Nhật Bản, Pháp, Đức, Ý, Mỹ...chịu cú sốc ở mức đương đương như ở Trung Quốc; các nước có ca nhiễm ít hơn sẽ chịu cú sốc đương đương 50% so với cú sốc ở Trung Quốc.

Lúc đó, tất cả 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chứng kiến đà tăng trưởng trì trệ khi họ buộc phải triển khai các biện pháp khống chế đà lây lan của virus Covid-19. Trong kịch bản như vậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm sâu về mức 1,2% trong năm nay. Kinh tế khu vực eurozone (các nước sử dụng đồng tiền chung euro) và Nhật Bản sẽ rơi vào suy thoái, còn tăng trưởng của Mỹ giảm về mức 0,5%.

Covid-19 thành đại dịch, tăng trưởng toàn cầu rơi về zero

Kịch bản tồi tệ nhất mà Bloomberg Economics đặt ra là dịch Covid-19 biến thành đại dịch toàn cầu và tất cả các nước có ca nhiễm đều chịu cú sốc nghiêm trọng, tương đương mức suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc trong quí 1.

Nếu kịch bản đó xảy ra, tăng trưởng toàn cầu sẽ rơi về mức zero và GDP toàn cầu có thể mất mát khoảng 2.700 tỉ đô la Mỹ so với mức dự báo hồi đầu năm. Mức tổn thất này tương đương tổng giá trị GDP của nước Anh. Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tụt về mức 3,5%, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu tăng trưởng của nước này được thống kê vào năm 1980. Trong khi đó, tăng trưởng của Mỹ, Nga, Brazil, Nhật, Đức, Pháp, Nhật Bản đều rơi vào vùng âm.

Tất cả các kịch bản trên đều khiến các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu xem xét hạ lãi suất khẩn cấp, triển khai các gói chi tiêu hoặc cả hai. Chẳng hạn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Úc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đều đã hạ lãi suất. Hạ lãi suất và tăng cường chi tiêu có thể giúp kìm hãm cơn hỗn loạn trên các thị trường tài chính và khôi phục nhu cầu một khi cơn khủng hoảng dịch Covid-19 qua đi. Nhưng trong cơn cao trào của dịch Covid-19, các gói kích thích có nguy cơ đẩy tăng lạm phát nhưng không thúc đẩy tăng trưởng, khiến tình hình càng tồi tệ hơn, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cảnh báo.

Khánh Lan

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.