|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

26 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức: Cá biệt 5.000 đồng/cp, Masan dự chi nghìn tỷ

15:46 | 26/06/2021
Chia sẻ
Trong tuần từ 29/6 đến 5/7 trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hàng chục doanh nghiệp giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt cũng như cổ phiếu, trong đó có các tập đoàn lớn như Masan, Phân bón và Hóa chất Dầu khí, ...

Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) dự định trả cổ tức đợt 2 năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 50%, tương đương 5.000 đồng/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán lần lượt là 29/6 và 15/7. Trong đợt 1, công ty đã trả 3.000 đồng/cp.

SCS hiện có vốn điều lệ khoảng 500 tỷ đồng nên sẽ cần chi 250 tỷ để hoàn thành đợt cổ tức tới đây. Tổng cộng 2 đợt, công ty thanh toán cho cổ đông khoảng 400 tỷ đồng.

Đúng như tên gọi của mình, SCS hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong bối cảnh các hãng hàng không chở khách gặp muôn vàn khó khăn bởi các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng hóa như SCS vẫn hoạt động tương đối tốt nhờ nhu cầu tăng cao.

Năm 2020, SCS có lãi sau thuế 464 tỷ đồng. Quý I/2021, công ty tiếp tục lãi ròng 137 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. 

26 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức: Cao nhất 5.000 đồng/cp, Masan dự chi nghìn tỷ - Ảnh 1.

TTM = 4 quý gần nhất

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức đầu tháng 6 này, ban lãnh đạo công ty ước tính sản lượng hàng hóa mà SCS phục vụ 5 tháng đầu năm đạt hơn 98.300 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng quốc tế tăng 15,7%, sản lượng quốc nội tăng 41%. Lợi nhuận trước thuế 5 tháng ước tính khoảng 247 tỷ đồng, tăng 24,7%.

Lãnh đạo SCS cũng cho biết dịch COVID-19 có ảnh hưởng tới hoạt động của công ty nhưng mức độ không đáng kể nhờ chính sách vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ. Công ty tin tưởng rằng nếu việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt, sản lượng hàng hóa 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng khả quan, công ty có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Năm 2021, SCS đặt mục tiêu doanh thu 780 tỷ đồng, lãi sau thuế 540 tỷ, tỷ lệ cổ tức dự kiến 36%.

Tập đoàn Masan (Mã: MSN) dự định trả cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền mặt trị giá 950 đồng/cp. Vốn điều lệ của Masan hiện nay là 11.805 tỷ đồng nên tập đoàn sẽ cần chi khoảng 1.100 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán lần lượt là 1/7 và 16/7.

Cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Masan hiện nay là Công ty cổ phần Masan với tỷ lệ sở hữu hơn 31%. Vì vậy, CTCP Masan sẽ được nhận khoảng 350 tỷ đồng trong đợt cổ tức tới. Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đồng thời là Chủ tịch HĐQT của cả hai doanh nghiệp nói trên.

Ngày 14/6 vừa qua, một công ty con của Tập đoàn Masan là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – Mã: MCH) đã thanh toán cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 45%, tổng trị giá khoảng 3.200 tỷ đồng.

Tập đoàn Masan còn một công ty con khác trên thị trường chứng khoán là CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR), chuyên hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến quặng vonfram, florit, bismut và đồng.

Cả MCH và MSR đều đang đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM với vốn hóa trên 1 tỷ USD.

26 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức: Cá biệt 5.000 đồng/cp, Masan dự chi nghìn tỷ - Ảnh 2.

Sản phẩm tương cà Chin-Su của Masan Consumer, một công ty con của Tập đoàn Masan. (Ảnh: Song Ngọc).

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã: DPM) có kế hoạch trả cổ tức đợt 2/2020 bằng tiền mặt 700 đồng/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán lần lượt là 5/7 và 30/7. Trong đợt 1, công ty đã trả 700 đồng/cp.

Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DPM sẽ cần chi khoảng 274 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang nắm giữ gần 60% vốn điều lệ của DPM nên sẽ được nhận khoảng 164 tỷ đồng trong đợt này.

26 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức: Cá biệt 5.000 đồng/cp, Masan dự chi nghìn tỷ - Ảnh 3.

Trong một báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết: Từ giữa tháng 5, nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Hà Bắc đã hoàn thành bảo dưỡng và vận hành trở lại, giúp sản lượng của DPM hồi phục. 

Bên cạnh đó, giá ure trong nước vẫn tiếp tục tăng theo giá thế giới. Giá bán trung bình tháng 4 của DPM đạt 8.500 đồng/kg và công ty cho biết triển vọng giá bán vẫn tích cực trong thời gian còn lại của quý II. 

VDSC dự báo sản lượng ure quý II/2021 đạt khoảng 216.000 tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ; giá bán trung bình khoảng 9.000 đồng/kg, tăng vọt 54% so với một năm trước.

Đối với NPK, sản lượng và giá bán có thể đạt lần lượt 31.000 tấn (giảm 6,6%) và 8.740 đồng/kg (xấp xỉ cùng kỳ). Tổng doanh thu quý II được dự báo đạt 2.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu ure và NPK đóng góp lần lượt 72% và 10%.

26 doanh nghiệp sắp chốt quyền cổ tức: Cá biệt 5.000 đồng/cp, Masan dự chi nghìn tỷ - Ảnh 5.

CTCP Đại lý Hàng hải Việt Nam (Mã: VSA) dự định trả cổ tức năm 2019 và 2020 bằng tiền mặt tổng trị giá 3.000 đồng/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán của cả hai đợt lần lượt là 2/7 và 15/7.

CTCP Dây Cáp Điện Việt Nam (Mã: CAV) sắp trả cổ tức tiền mặt đợt 3 năm 2020 trị giá 1.000 đồng/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền và ngày thanh toán lần lượt là 5/7 và 23/7. Trong đợt 1 và 2, công ty đã trả tổng cộng 4.000 đồng/cp. 

CAV là một thành viên của Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex - Mã: GEX), do Gelex sở hữu trên 95% vốn. Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn đồng thời là Chủ tịch HĐQT của CAV.

Đại hội cổ đông thường niên của Gelex ngày 18/6 vừa qua đã thông qua nghị quyết về việc đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex để phản ánh hoạt động kinh doanh đa ngành, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thiết bị điện.

Gelex cũng đặt mục tiêu doanh thu năm nay là 28.540 tỷ đồng, lãi trước thuế hợp nhất khoảng 1.285 tỷ.

STTNgày GDKHQNgày thực hiệnTỷ lệ
Giá gần nhất
(đồng/cp)
1CT529/615/73,5%
2HAS29/616/73,0%13.000
3DSV29/621/713,0%9.000
4SCS29/615/750,0%142.000
5THT29/630/79,0%10.300
6CSC29/66%, bằng cổ phiếu58.400
7L6229/629/72,0%6.300
8TV329/631/810,0%21.300
9FOX30/620%, bằng cổ phiếu93.800
10TDF30/615/716,0%21.000
11TVA30/615/712%15.100
12DOC30/68/73,0%11.900
13TCD30/622/76,0%13.500
14TCD30/65%, bằng cổ phiếu13.500
15VID30/615%, bằng cổ phiếu11.800
16VPG1/710%, bằng cổ phiếu36.800
17DRI1/715/72,7%11.400
18MSN1/716/79,5%106.400
19DSS1/715/710,5%6.000
20VSA2/715/715,0%33.000
21VSA2/715/715,0%33.000
22HTI2/730/710,0%17.850
23PBP2/729/78,0%10.100
24NED2/729/710,0%11.000
25PJS2/726/76,0%11.600
26TVM2/715/72,0%7.200
27CAV5/723/710,0%59.000
28DPM5/730/77,0%22.700

Song Ngọc