|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Có nên mua cổ phiếu của doanh nghiệp 10 năm liền không trả cổ tức?

22:34 | 23/06/2021
Chia sẻ
Cổ tức trong đầu tư cổ phiếu khác biệt rất căn bản so với tiền lãi khi gửi ngân hàng và nhà đầu tư không nên coi trọng quá mức con số cổ tức khi ra quyết định.

Đừng ham cổ tức như ham lãi tiền gửi

Người gửi tiền đắn đo rất nhiều yếu tố trước khi "chọn mặt gửi vàng", chẳng hạn như quy mô và mức độ an toàn của ngân hàng, mạng lưới phòng giao dịch, chất lượng dịch vụ, … nhưng có lẽ tiêu chí được quan tâm nhiều nhất là lãi suất. 

Trên thị trường cổ phiếu, có khi nhà đầu tư cũng được nhận tiền hàng năm từ doanh nghiệp mà mình đầu tư, số tiền đó được gọi là cổ tức.

Đại hội cổ đông biểu quyết thông qua tỷ lệ cổ tức tính theo % của mệnh giá (10.000 đồng/cp) rồi sau đó ban lãnh đạo công ty sẽ triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, giữa lãi gửi tiền và cổ tức có những khác biệt căn bản mà các nhà đầu tư mới (F0), ngoại đạo cần phải lưu ý.

Thứ nhất, lãi tiền gửi là nghĩa vụ bắt buộc được quy định trong hợp đồng mà ngân hàng phải thanh toán; còn phương án cổ tức được cổ đông doanh nghiệp thông qua từng năm một, năm có năm không, khi cao khi thấp, khó đoán trước.

Thứ hai, việc nhận tiền lãi không ảnh hưởng tới số tiền gốc; còn khi nhận cổ tức thì giá cổ phiếu sẽ bị trừ đi.

Ví dụ, nhà đầu tư Gấu gửi 100 triệu đồng vào ngân hàng với lãi suất 10%/năm. Mỗi năm anh Gấu được nhận 10 triệu đồng tiền lãi, còn tiền gốc anh gửi tại ngân hàng vẫn là 100 triệu đồng, anh có thể rút ra đủ. Tổng tài sản của anh từ 100 triệu biến thành 110 triệu.

Nhà đầu tư Bò mua 10.000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, tổng giá trị là 100 triệu đồng. Nếu công ty trả cổ tức với tỷ lệ 10% mệnh giá, tức người sở hữu một cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng, thì anh Bò sẽ nhận về tổng cộng 10 triệu đồng cổ tức.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu cũng sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng là 1.000 đồng/cp, còn lại 9.000 đồng/cp. Tổng giá trị tài sản của anh Bò vẫn là 100 triệu đồng, chỉ thay đổi về thành phần: Từ chỗ toàn bộ 100 triệu đồng là cổ phiếu biến thành 90 triệu đồng cổ phiếu + 10 triệu đồng tiền mặt.

Nếu năm sau, công ty lại trả cổ tức trị giá 1.000 đồng/cp thì giá cổ phiếu lại bị điều chỉnh giảm tương ứng 1.000 đồng/cp, …vv…

Có thể thấy, cổ tức và lãi tiền gửi có sự khác biệt rất căn bản, không thể đánh đồng với nhau.

Giá cổ phiếu tăng bằng lần, 10 năm nhịn cổ tức thì có sao?

Nếu mỗi lần trả cổ tức, giá cổ phiếu lại bị điều chỉnh giảm đi tương ứng, vậy thì mua cổ phiếu để làm gì? 

Câu trả lời là cổ tức không phải nguồn thu duy nhất của người đầu tư cổ phiếu, kỳ vọng lớn nhất của nhiều cổ đông được đặt vào kịch bản giá cổ phiếu tăng chứ không phải vào cổ tức.

Vì vậy, khi doanh nghiệp không trả cổ tức, nhiều cổ đông vẫn có thể được hưởng lợi nếu giá cổ phiếu đi lên.

Từ đầu năm 2021 đến hết phiên 23/6, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có tổng cộng 153 mã cổ phiếu tăng giá từ 100% trở lên, có mã nhảy vọt tới 876%. Nếu chỉ tính những cổ phiếu có vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng thì cũng có tới 30 mã giúp nhà đầu tư lãi bằng lần trong chưa đầy 6 tháng.

Có nên mua cổ phiếu của doanh nghiệp 10 năm liền không trả cổ tức? - Ảnh 2.

Cổ phiếu của hai nhà băng đã 10 năm nay không chia cổ tức là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank – Mã: TCB) và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Mã: NVB) hiện nay đang cao hơn lần lượt 62% và 89% so với đầu năm, cao gấp nhiều lần lãi tiền gửi cũng như tỷ lệ cổ tức thường thấy trên thị trường.

Giá cổ phiếu cứ tăng phi mã như vậy thì nhà đầu tư cũng không thấy buồn phiền khi phải "nhịn" cổ tức vài năm. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu lao dốc 60-80% thì vài đồng cổ tức cũng khó làm nguôi ngoai nỗi đau cháy tài khoản.

Nhìn chung, việc trả cổ tức tiền mặt sẽ làm hài lòng những cổ đông đang cần tiền nhưng không muốn bán bớt cổ phiếu. Đó có thể là những nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn có tiền chi tiêu trong ngắn hạn, hoặc là cổ đông sáng lập không muốn giảm tỷ lệ sở hữu để tránh bị đối thủ thâu tóm, hoặc là cổ đông Nhà nước muốn duy trì sở hữu ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhạy cảm, ...

Tỷ lệ cổ tức chỉ là một tham số, có thể coi là không quá quan trọng, trong quá trình ra quyết định đầu tư. Các yếu tố cơ bản như mô hình hoạt động, khả năng tạo lợi nhuận, dòng tiền kinh doanh, năng lực ban lãnh đạo, triển vọng cung cầu sản phẩm, ... đáng được lưu tâm nhiều hơn.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc