|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

2021: Một năm trỗi dậy của thị trường cà phê nhưng không phải ai cũng mừng

20:21 | 08/12/2021
Chia sẻ
Giá cà phê thế giới trong năm qua liên tục tăng mạnh do nguồn cung từ các nước lớn bị hạn chế. Điều này cũng giúp giá trong nước tăng theo. Tuy nhiên, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao cùng với ách tắc logistics khiến cả người trồng lẫn doanh nghiệp gặp khó khăn.

Một năm trỗi dậy của thị trường cà phê

Năm qua chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường cà phê trong nước và cả thế giới sau thời gian dài chịu áp lực dư cung. Theo đó, giá cà phê trong nước phục hồi 26% từ mức trên 30.000 đồng/kg lên khoảng 41.000 đồng/kg cuối năm.

2021: Một năm trỗi dậy của thị trường cà phê nhưng không phải ai cũng mừng - Ảnh 1.

Diễn biến giá cà phê từ đầu năm đến ngày 7/12/2021. (Tổng hợp: H.Mĩ)

Giá cà phê thế giới thậm chí còn tăng mạnh hơn nữa khi chạm đỉnh 10 năm. Tính đến ngày 8/12, giá cà phê arabica tăng gấp đôi so với đầu năm lên 244 UScent/pound.  Giá cà phê robusta cũng ghi nhận mức tăng tới 80% so với đầu năm lên gần 2.400 USD/tấn. 

2021: Một năm trỗi dậy của thị trường cà phê nhưng không phải ai cũng mừng - Ảnh 2.

Diễn biến giá cà phê robusta thế giới trong 1 năm qua. (Nguồn: Investing.com)

Động lực cho đà tăng giá cà phê trong thời gian qua là nhờ nguồn cung thiếu hụt tại hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil do chịu tác động bởi thời tiết xấu. Cả hai quốc gia đều đứng đầu về xuất khẩu cà phê robusta (Việt Nam) và arabica (Brazil).

Theo Bloomberg, sản lượng cà phê arabica của Brazil năm nay có thể giảm khoảng 40% so với năm 2020, đồng thời là mức thấp nhất kể từ năm 2009. 

Vụ mùa cà phê ở Brazil bị ảnh hưởng bởi hạn hán cùng với hiện tượng lạnh giá và sương mù hồi tháng 7.  Thêm vào đó, mùa màng của quốc gia dao động hàng năm giữa chu kỳ năng suất thấp và cao, và năm nay là một chu kỳ giảm.

Sản lượng thấp trong khi những nút thắt trong vận tải biển toàn cầu như thiếu container, cước vẫn tải cao vẫn chưa thể tháo gỡ càng đẩy giá cà phê tăng cao. 

Ngày 13/10, Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết trong tháng 9/2021, nước này đã xuất khẩu 3,1 triệu bao cà phê (loại 60 kg/bao), giảm tới 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn tại Việt Nam, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê năm nay. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời điểm cây cà phê trổ bông. Đây cũng là đợt cao điểm chống hạn ở khu vực Tây Nguyên. 

Bên cạnh đó, thời điểm quý III, Việt Nam chịu tác động nặng nề dịch COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy chuỗi xuất khẩu cà phê ở khu vực Tây Nguyên. Nhiều doanh nghiệp đang lâm cảnh khó khăn trong phân phối, lưu thông, xuất khẩu hàng hóa. Còn nông dân chật vật khi chi phí duy trì sản xuất, thu hoạch liên tục tăng... dù giá cà phê trong nước lẫn thế giới đang có chiều hướng đi lên. 

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam thị trường cà phê đã trải qua chu kì giảm giá 4 năm liên tiếp và 2021 là năm kết thúc chu kỳ đó, kèm theo nguồn cung dần giảm đi. 

Trong suốt 4 năm liền phải chịu áp lực về giá, diện tích cây cà phê Việt Nam liên tiếp giảm. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, diện tích cà phê của Việt Nam năm 2020 là 680.000 ha, giảm khoảng 2% so với năm 2019. Bước sang năm 2021, Bộ NN&PTNT ước tính diện tích cà phê sẽ còn giảm xuống khoảng 675.000 ha. 

Nguyên nhân là giá cà phê liên tục xuống thấp thời gian dài nên người dân đã giảm diện tích, trồng xen canh với các loại cây khác.Thêm vào đó, nhiều vùng cà phê đã già cỗi, tốc độ tái canh chậm chạp dẫn tới sản lượng cà phê giảm.

Theo ông Tự, sản lượng cà phê năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 15% so với niên vụ trước đó.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Intimex cho biết trước đây, giá cà phê robusta trên sàn London lên tới 2.600 USD/tấn thì giá cà phê ở thị trường Việt Nam mới chỉ 40 triệu đồng/tấn.

"Đến nay, giá cà phê trên sàn London chỉ khoảng 2.000 USD/tấn, giá cà phê Việt Nam đã đạt hơn 40 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá được mơ ước của người Việt trong nhiều năm nay", ông Nam nói.

Tuy nhiên, với mức giá như hiện nay, người trồng chỉ được hưởng lãi khá “mỏng” bởi các chi phí khác như phân bón, công lao động,…đều tăng cao. Đặc biệt giá phân bón có lúc chạm đỉnh nhiều năm và chiếm tới 50% chi phí sản xuất. 

Ông Lanh Thế Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Thái (Đắk Nông) cho biết với giá 40 triệu đồng/tấn, người dân chỉ lãi khoảng 5 – 8 triệu đồng/tấn cà phê trong khi một năm chỉ có một vụ.

“Mức lợi nhuận này quá thấp, nông dân đang làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Ở tình huống xấu, nếu các nhà vườn không kịp thu hoạch mà gặp áp thấp, bão thì nông dân có thể lỗ", ông Thành nói.

Doanh nghiệp khốn đốn vì COVID-19 và cước vận tải tăng cao

Không chỉ người trồng, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng chưa hẳn vội mừng khi giá tăng bởi hàng loạt chi phí, đặc biệt là logistics bị đội lên quá cao. 

Việc giãn cách xã hội hồi quý III khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu cà phê bị trì hoãn. Trao đổi với người viết ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết hàng tồn kho không thể bán đi được vì không thể thuê container và cước tàu quá cao.

"Trước đây, chỉ mất 5 - 10 ngày để vận chuyển xong một chuyến hàng sang các nước nhưng hiện nay phải mất tới 2 - 3 tháng mới vận chuyển xong. Chưa bao giờ hàng tồn kho nhiều như năm nay", ông Hiệp cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hiệp tỏ ra lo ngại nếu tình hình nay kéo dài sẽ dẫn đến dòng tiền của doanh nghiệp bị bế tắc và rủi ro khách hàng nước ngoài sẽ ép giá đối với số hàng tồn kho.

"Nguy hiểm hơn khi vụ thu hoạch của người dân đang đến gần (tháng 11), nguồn cung dồi dào, nếu hàng không xuất được, nguy cơ giá cà phê đảo chiều sẽ cao. Lúc này doanh nghiệp Việt Nam không còn tiền để xoay xở. Kho bãi hạn chế nên sức chứa không đủ và khó khăn trong việc luân chuyển hàng hóa", ông Hiệp cho biết.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường Mỹ luôn mua hàng với điều kiện CNF (giá đã bao gồm tiền hàng và cước phí) khiến doanh nghiệp Việt chịu rủi ro về chi phí vận chuyển.

Cước container 40 feet vận chuyển đi Mỹ khoảng 13.500 USD, tăng 5 - 6 lần so với mức giá đầu năm 2020. Trong khi đó, giá cước vận tải từ Brazil tới Mỹ chỉ khoảng 4.000 USD/container tăng từ khoảng 1.500 USD - 2.000 USD/container trước đại dịch.

Kỳ vọng giá cà phê tiếp tục nhờ nhu cầu cuối năm

Mặc dù những mối lo của cả doanh nghiệp và người dân trồng cà phê vẫn đang hiện hữu như tín hiệu đáng mừng là càng về cuối năm, giá cà phê càng được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn bởi nhu cầu tiêu thụ ở các dịp lễ, tết tăng mạnh đặc biệt trong bối cảnh các nước có nhu cầu tiêu thụ lớn như Mỹ và khối EU đang trong quá trình phục hồi lại kinh tế. 

Bên cạnh đó nguồn cung cà phê ở các nước lớn vẫn hạn chế cũng là động lực chính giúp đẩy giá mặt hàng này lên. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng, ít nhất cho đến quý I/2022. Hiệp hội Cà phê Brazil và Colombia khẳng định nguồn cung không thiếu, nhưng khó khăn trong khâu vận chuyển khiến nguồn cung bị hạn chế. 

Còn theo dự báo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ cà phê 2021-2022 Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng 980.000 bao cà phê so với niên vụ 2020-2021.  

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nam cho đây là cơ hội cho Việt Nam bởi “Việt Nam và Indonesia hai nguồn cà phê có thể bù đắp thâm hụt sản lượng của Brazil. Tuy nhiên, sản lượng của Indonesia khá ít nên các nước có thể sẽ đổ dồn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ thuận lợi bởi đây là cơ hội ngành cà phê Việt Nam".

Ông Nam nhận định dù COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu cà phê song mức độ ảnh hưởng không lớn như những ngành khác. Đợt giãn cách ở 19 tỉnh phía Nam không trùng vụ thu hoạch cà phê, nhà máy tự động hóa nên cần ít công nhân nên vẫn duy trì được sản xuất và chế biến.

Khó khăn lớn nhất vẫn là việc vận chuyển cà phê từ kho ra đến cảng, từ cảng Việt Nam đến điểm giao hàng chưa thực sự thông suốt. Song đại diện Intimex cho rằng xuất khẩu cà phê sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng giá cà phê quay về thời hoàng kim 46.000 - 47.000 đồng/kg hay không còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19, tốc độ phục hồi kinh tế thế giới và thời tiết của các nước trồng cà phê lớn trên thế giới.

H.Mĩ