2019: Một năm đầy sóng gió của xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc
Đường tiểu ngạch bị siết chặt
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch 9 loại quả tươi gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Hiện Việt Nam đang đàm phán, đề nghị mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch cho 7 loại trái cây theo thứ tự ưu tiên sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi; sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen.
Bên cạnh đó, các mặt hàng rau quả phải được dán nhãn truy xuất nguồn rõ ràng. Trên tem nhãn này có đầy đủ các thông tin như tên hàng hóa, nguồn gốc, qui cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng...
Qui định này được phía Trung Quốc thông báo từ cuối năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Cụ thể, theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng kí thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc.
Trong đó, đặc biệt lưu ý về thông tin, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây, chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, khuyến cáo là một chuyện nhưng việc thực hiện đến đâu lại là một câu chuyện khác khi nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn "mù mờ" trước qui trình để có được tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc.
Những yếu tố đó đã khiến kim ngạch xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc giảm mạnh. Bước sang tháng 6 (tức 1 tháng sau khi qui định dán nhãn có hiệu lực), kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt hơn 280 triệu USD, giảm tới 22,7% so với cùng kì năm ngoái và giảm 26,5 so với tháng 5, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu.
Đỉnh điểm là tháng 7 và tháng kim ngạch giảm mạnh hơn 40% so với cùng kì năm ngoái. Mặc dù vậy, đà giảm xuất khẩu rau quả sang thị trường này bắt đầu chững lại khi càng gần về cuối năm. Theo đó, trong tháng 11, kim ngạch giảm giảm 7,3% so với cùng kì năm ngoái.
Trong 11 tháng năm 2019, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,2 tỉ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2018.
Tỉ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này giảm 8,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.
Nguyên nhân chủ quan
Ngoài nguyên nhân khách quan từ phía Trung Quốc, nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp Việt Nam.
Trao đổi với người viết ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam, cho biết nguyên nhân sâu xa là nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng để giao cho khách hàng bên Trung Quốc nên nhập chôm chôm của Thái Lan để bù đắp vào lô hàng xuất khẩu nếu không sẽ bị phạt hợp đồng.
Tổng Thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam nói thêm không chỉ Trung Quốc mà trước đây đối với nhiều thị trường khác, doanh nghiệp cũng nhập hàng Thái Lan để bù đắp vào nguồn cung thiếu hụt để đáp ứng đơn hàng trong hợp đồng vì trái cây Việt Nam và Thái Lan khá giống nhau.
Bên cạnh đó, một số lô hàng ruột một đằng nhưng bao bì ghi một nẻo nên Hải quan Trung Quốc buộc phải dỡ bạt từng xe chở hàng để kiểm tra.
Chính vì những sai sót này mà Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với lô hàng chôm chôm của Việt Nam khiến thời gian thông quan lâu hơn.
Đối với các lô hàng thanh long, ông Nguyên cho biết do vụ mùa của Việt Nam và Trung Quốc trùng nhau nên xảy ra tình trạng "đụng chợ". Điều này dẫn đến Hải quan Trung Quốc có những biện pháp kĩ thuật để làm các lô hàng thanh long bị chậm lại.
"Vụ mùa thanh long của Việt Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, trùng với thời điểm vụ mùa thanh long ở các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết thanh long Việt Nam được bán sang các tỉnh này của nước bạn", ông Nguyên nói.
Năm 2020 sẽ khởi sắc?
Cục Xuất Nhập khẩu dự báo năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc sẽ từng bước ổn định hơn do các doanh nghiệp dần quen với các quy định trong nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc.
Cục khuyến cáo doanh nghiệp chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các qui định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng qui định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Tổng Thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường tham gia các hội trợ thương mại để kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc ở phía Bắc.
Điều này giúp trái thanh long Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nội địa Trung Quốc thay vì các tỉnh biên giới.
"Thực tế, đã có doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc qua đường biển, chi phí không quá cao mà còn tránh được tình trạng "đụng chợ" khi mùa thanh long tới", ông Nguyên nói.