20 quốc gia cân nhắc trừng phạt bổ sung Triều Tiên
Trung Quốc dừng xuất khẩu sản phẩm từ dầu sang Triều Tiên trong tháng 11 | |
Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên |
Các quốc gia tham dự Cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao về An ninh và Ổn định trên Bán đảo Triều Tiên cam kết ủng hộ cuộc đối thoại giữa hai miền Triều Tiên “với hy vọng việc này sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng” và nhất trí rằng giải quyết khủng hoảng bằng con đường ngoại giao là cần thiết và có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, các nước cũng cam kết đảm bảo các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ sẽ được thực thi đầy đủ. Trong một tuyên bố chung, các bên tham gia cho biết đã thống nhất cân nhắc và có các bước đi tiếp theo nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bổ sung bên cạnh các nghị quyết trừng phạt hiện hành của Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo Triều Tiên rằng nước này có thể kích động phương án quân sự nếu không lựa chọn con đường đàm phán.
Từ trái qua: Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tại cuộc họp ngày 16/1 tại Vancouver, Canada. Nguồn: Ben Nelms/Reuters. |
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng tuyên bố không từ bỏ chương trình phát triển đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn đến lãnh thổ nước Mỹ bất chấp các nghị quyết trừng phạt ngày càng nặng nề của Liên Hiệp Quốc (LHQ), đồng thời làm dấy lên lo ngại về khả năng chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Canada đồng chủ trì cuộc họp này tại thành phố Vancouver (Canada), quy tụ các quốc gia từng ủng hộ Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), để thảo luận các biện pháp tăng cường áp lực lên lãnh đạo Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ được cho là đã tranh luận về việc có nên cân nhắc các phương án quân sự, trong đó có việc tấn công phủ đầu vào các địa điểm phóng tên lửa hoặc cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ phủ nhận khả năng về một cuộc tấn công tương tự và cho biết trong một cuộc họp báo rằng ông “sẽ không bình luận về các vấn đề vẫn chưa được Hội đồng An ninh Quốc gia hoặc tổng thống quyết định”.
“Chúng ta cần thừa nhận rằng mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng và nếu nước này không chọn con đường đàm phán thì chính họ tự mình kích động phương án (quân sự). Cách tiếp cận của chúng ta là cho họ lựa chọn tốt nhất và đó chính là đàm phán. Nếu họ đang tính đến giải pháp quân sự thì sẽ nhận kết cục không mấy tốt đẹp”, vị Ngoại trưởng Mỹ cho biết.