|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

20 kĩ năng tài chính mà bạn nên làm chủ ở độ tuổi 20

10:30 | 11/07/2019
Chia sẻ
Các kĩ năng và thói quen tài chính được hình thành ở lứa tuổi này có thể ảnh hưởng đến tài chính của bạn trong nhiều năm tới. Điều quan trọng là phải chủ động và rèn luyện phát triển các kĩ năng đó để thực sự kiểm soát tài chính của mình sau này.

Hãy dành thời gian để hiểu và tôi luyện những kĩ năng cá nhân sau, chúng sẽ giúp bạn gia tăng giá trị tài sản và một tương lai tài chính vững chắc.

Mỗi đồng tiền cho một mục đích

Hãy dành mỗi đồng tiền bạn kiếm được cho một ý định sử dụng khi nào và ra sao. Điều đó giúp bạn luôn có kế hoạch và đủ khả năng để thực hiện ý định đó, thay vì liên tục căng thẳng về tiền bạc khi cần.

Thường xuyên kiểm tra ngân sách

Chỉ cần dành 5 phút mỗi đêm để kiểm tra xem liệu ngân sách đã phù hợp với chi tiêu của bạn hay chưa. Nó sẽ đem đến một bức tranh rõ ràng về cách bạn chi tiêu trong tháng.

Theo dõi số dư tài khoản

Nhiều người thường cảm thấy có quá nhiều công việc cần lo trong khi chỉ có rất ít tiền. Đó là lí do vì sao bạn luôn cần nắm được số dư tài khoản định kì, giúp ngăn bạn rút thêm tiền từ tài khoản và trả các khoản phí trễ không cần thiết như phí thấu chi.

Ngoài ra, kiểm tra số dư cũng có thể giúp bạn phát hiện sớm hành vi trộm cắp hoặc ai đó đã đánh cắp thông tin tài khoản của bạn.

Đặt mục tiêu tài chính thường xuyên

Các mục tiêu tài chính dài hạn, trung hạn và ngắn hạn thật rõ ràng có thể giúp bạn bám sát ngân sách của mình. Ít nhất hàng tháng, bạn nên kiểm tra tiến trình thực hiện ngân sách của mình đối với các mục tiêu này.

Lập kế hoạch

Kế hoạch sẽ khiến bạn dễ định hình tất cả các bước tài chính, từ mua nhà đến trả tiền học đại học cho con cái. Bạn có thể ưu tiên một số mục tiêu chính để lập kế hoạch khi nào và làm thế nào trước.

Bắt đầu nghĩ tới nghỉ hưu

Bạn nên cân nhắc bắt đầu kế hoạch nghỉ hưu của mình và quyết định đóng góp bao nhiêu cho kế hoạch đó.

Ví dụ, bạn có thể dành 15% thu nhập để tiết kiệm cho nghỉ hưu. Nếu hiện tại chưa thể nhiều như vậy, bạn có thể nghĩ đến con số đó khi có thu nhập cao hơn và trả nợ được hoàn tất.

Học cách "săn" giá tốt

Có rất nhiều cách có thể tiết kiệm tiền cho những thứ bạn thường chi tiêu quá mức cần thiết như quần áo hay đồ tạp hóa. Do đó, bạn cần học xác định thời điểm tốt nhất trong năm để mua một chiếc khăn trải giường hoặc có được một mức giá chiết khấu cho nội thất định mua.

Nếu bạn biến việc tìm kiếm chiết khấu và các chương trình giảm giá thành một thói quen, bạn sẽ có thể tiết kiệm được đáng kể trong suốt cuộc đời.

Trở thành người mua hàng thông minh

Một người mua sắm thông minh có chút khác biệt với một "thợ săn" giá. Một khi bạn đã hoàn thiện "nghệ thuật" tìm kiếm giá "hời", bạn cần trở thành một người mua sắm thông minh và xác định xem bạn có thực sự cần món đồ đó trước khi mua hay không.

Nói cách khác, bạn không nên mua những thứ bạn muốn một cách "ồ ạt". Hãy phân loại nó theo nhu cầu và đảm bảo rằng bạn có sẵn tiền để trả mà không cần tiết kiệm. Một lời khuyên hữu ích là hãy chờ ít nhất 24 giờ trước khi mua một món đồ giá trị.

Lên danh sách cần mua

Một trong những cách hiệu quả bạn có thể tiết kiệm tiền khi mua sắm là chuẩn bị một danh sách và mua theo nó. Đây là một thói quen đơn giản để bắt đầu và chỉ mất vài phút liệt kê.

Nếu bạn có một danh sách rõ ràng trong đầu, nó có thể giúp bạn kiềm chế chi tiêu và tiết kiệm thời gian. Ngoài ra, từng "gạch đầu dòng" những thứ cần mua có thể giúp bạn tránh phải đi cửa hàng lần hai chỉ vì quên một thứ gì đó. Nhờ vậy, tiền tiết kiệm của bạn sẽ cộng dồn đáng kể.

Kế hoạch chi phí theo đợt

Những chi phí này có thể là cho kì nghỉ, sửa chữa nhà, ... Nếu bạn biết rằng chi phí đến mỗi năm một lần, hãy dành ra một khoản tiền để trang trải chúng định kì. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng thanh toán cho các chi phí này mà không cần phải tiết kiệm thêm hay dùng thẻ tín dụng.

Dừng "dựa dẫm" vào thẻ tín dụng

Một trong những thói quen tài chính tồi tệ nhất là dùng thẻ tín dụng để thanh toán chi phí hàng ngày khi bị quá ngân sách. Bạn cần có một quĩ khẩn cấp và lập kế hoạch thực hiện để không cần sử dụng đến thẻ tín dụng. Tốt nhất là không mang theo chúng bên mình hàng ngày.

Tận dụng chế độ phúc lợi

Một điều tuyệt vời khác bạn có thể làm là tận dụng tối đa phúc lợi của một nhân viên. Ví dụ, bảo hiểm sức khỏe có lợi về thuế vì nó có thể làm giảm thu nhập chịu thuế của bạn.

Hay như tiết kiệm hưu trí, một khoản đóng góp phù hợp cho công ty về cơ bản là tiền miễn phí cho việc nghỉ hưu của bạn sau này.

Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu và tận dụng được chế độ phúc lợi có sẵn thông qua chủ lao động của mình.

Tiết kiệm tiền mỗi tháng

Một thói quen tuyệt vời cần hình thành là thường xuyên "bỏ lợn" mỗi tháng. Bạn có thể đặt chuyển tiền tự động từ tài khoản thanh toán vào tài khoản tiết kiệm của bạn. Kế hoạch tiết kiệm 10 - 15% thu nhập sẽ giúp bạn có thể thực hiện các mục tiêu dài hạn.

Cho tiền tiết kiệm một mục đích

Điều này sẽ giúp duy trì động lực với khoản tiết kiệm của bạn. Bạn có thể dành một số tiền cho kì nghỉ mơ ước, mua nhà hoặc cho việc học đại học của con bạn sau này. Bạn cũng có thể sử dụng nó cho mục đích đầu tư và gia tăng tài sản.

Bảo vệ khoản tiết kiệm

Nếu bạn thấy mình có xu hướng hay đụng vào tài khoản tiết kiệm khi sắp hết tiền, bạn cần tìm cách bảo vệ nó ngay.

Quĩ khẩn cấp là một lựa chọn để trang trải các chi phí bất thường. Phần còn lại của khoản tiết kiệm nên được chuyển sang các tài khoản khó "sờ" vào hơn.

Chẳng hạn, một ngân hàng trực tuyến cho tài khoản tiết kiệm của bạn chỉ có thể đáp ứng chuyển tiền cho bạn sau một vài ngày so với lúc bạn cần. Điều này có thể giúp bạn có thời gian cân nhắc trước khi mua hàng.

Tư vấn từ bạn bè

Bạn bè có thể hỗ trợ các lựa chọn tài chính của bạn. Sẽ thật tốt khi có những người bạn thích săn lùng các khuyến mại cùng hoặc khuyến khích bạn tiết kiệm tiền khi cần. Những mối quan hệ hỗ trợ tài chính như vậy có thể giúp bạn đạt được mục tiêu của mình hiệu quả hơn.

Kiểm tra báo cáo tín dụng

Bạn nên kiểm tra báo cáo tín dụng thường xuyên để ngăn chặn hành vi trộm cắp danh tính nhanh chóng và bảo vệ điểm tín dụng của mình.

"Cho đi là nhận lại"

Bạn có thể quyên góp từ thiện cho các chương trình nhân đạo hoặc làm tình nguyện cho một tổ chức địa phương.

Cập nhật hồ sơ cá nhân

Bạn được khuyến khích cập nhật sơ yếu lí lịch bản thân để có thể nắm lấy cơ hội việc làm tốt ngay khi bạn tiếp cận được nó.

Ngoài ra, bạn cũng nên tiếp tục xây dựng mạng lưới các mối quan hệ của mình ngay cả khi bạn thích công việc hiện tại, vì nó sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được một công việc mới khi bạn sẵn sàng hoặc thậm chí có thể mang đến cho bạn một cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời ngay cả khi bạn không tìm kiếm.

Luôn cân bằng trong cuộc sống

Cuối cùng, điều quan trọng là bạn cần tìm thấy sự cân bằng giữa công việc, tiết kiệm - chi tiêu và tận hưởng cuộc sống. Dành thời gian giải trí thường xuyên nhưng chỉ cần đảm bảo rằng bạn đang tiết kiệm phù hợp với thu nhập của mình để được thoải mái. Đây là một kỹ năng khó phát triển, nhưng cần thiết nếu bạn muốn thành công về mặt tài chính sau này.

Ngọc Huyền