1.716 y bác sĩ nhiễm bệnh và cuộc khủng hoảng mới của TQ
Hình chụp CT ngày 26/1 cho thấy Ning Zhu có thể nhiễm chủng virus corona mới. Thay vì ở viện điều trị bệnh nhân, Zhu phải ở nhà tự chăm sóc cho mình. Cô đợi kết quả xét nghiệm acid nucleic để khẳng định có nhiễm virus corona hay không, nhưng vì lý do nào đó kết quả xét nghiệm vẫn chưa tới.
“Bệnh viện của tôi có hơn 100 người đang cách ly ở nhà”, cô nói với CNN. 30 người khác đã xác nhận nhiễm virus, theo Zhu.
Zhu ước tính hơn 130 trong số 500 y bác sĩ ở bệnh viện có thể đã nhiễm virus corona. Tên của cô đã được CNN thay đổi.
“Tôi sợ lây virus cho đồng nghiệp”
Y bác sĩ bị lây bệnh là tình trạng chung ở nhiều nơi. Một y tá từ Bệnh viện Trung ương Vũ Hán viết trên Weibo rằng khoảng 150 đồng nghiệp của cô tại đây đã xác định là nhiễm hoặc nghi nhiễm, bao gồm chính cô.
Zhu tự cách ly ở nhà kể từ khi nhiễm virus vào tháng trước, tới ngày 11/2 được nhập viện để điều trị ở chính bệnh viện mà cô làm việc.
“Tầng nội trú... có rất nhiều đồng nghiệp của tôi”, cô viết vào ngày 12/2. “Hầu hết là phòng hai người hoặc ba người, trên cửa viết rõ tên các đồng nghiệp”.
Mỗi khi một đồng nghiệp khác tới kiểm tra sức khỏe cho cô, cô đều nín thở. “Tôi sợ virus trong cơ thể tôi sẽ ra ngoài và lây cho đồng nghiệp vẫn chiến đấu ở ngoài tiền tuyến”, cô viết.
Ngày 14/2, Ủy ban Y tế Trung Quốc cuối cùng công bố 1.716 nhân viên y tế nhiễm virus corona, trong đó 6 người đã tử vong, và gần 90% đến từ tâm dịch tỉnh Hồ Bắc.
Nhân viên y tế vốn luôn chịu nguy cơ lớn trong các dịch bệnh, như dịch SARS ở Trung Quốc năm 2002-2003.
Ở tâm dịch Vũ Hán, họ còn gặp rủi ro hơn từ sự thiếu hụt trầm trọng các thiết bị y tế.
Các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại Vũ Hán. Hiểm nguy luôn chực chờ nhân viên y tế trong các dịch bệnh. Ảnh: AP, Sixth Tone, Getty Images.
Riêng ở Vũ Hán, 1.102 y, bác sĩ đã nhiễm virus corona chủng mới, chiếm 73% số ca nhiễm của nhân viên y tế trong tỉnh, 64% toàn quốc.
Thành phố 11 triệu dân có 398 bệnh viện và 6.000 phòng khám cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ có 9 bệnh viện được chỉ định làm nơi điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona, cùng 61 bệnh viện mà khoa ngoại trú tiếp nhận bệnh nhân bị sốt.
Ở một số nơi, nhân viên y tế chiếm tỷ lệ đáng kể trong số bệnh nhân. Như ở Bệnh viện Zhongnan, một trong số 61 bệnh viện nói trên, 40 nhân viên y tế đã nhiễm bệnh, chiếm gần 30% trong số 138 bệnh nhân virus corona nhập viện từ ngày 1-28/1, theo một nghiên cứu do Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) công bố tuần trước.
Nhưng đó vẫn được coi là tỷ lệ thấp so với các nơi khác, theo một tác giả của nghiên cứu.
Chẳng hạn, ở Bệnh viện Vũ Hán số 7, 2/3 nhân viên trong khoa điều trị tích cực bị lây bệnh vì tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ, cũng theo nghiên cứu trên.
Chính quyền Vũ Hán đã thừa nhận tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế, và bệnh viện ở khắp Vũ Hán đã liên tục lên mạng xã hội kêu gọi ủng hộ đồ bảo hộ.
Ngoài việc thiếu đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, quần áo trùm, các nhân viên y tế cũng xuống sức do làm việc quá nhiều.
Nhiều ca lây chéo giữa các y bác sĩ được cho là xảy ra ở phòng nghỉ hay phòng họp, sau những ca làm việc dài và căng thẳng, theo David Hui Shu-cheong, chuyên gia về bệnh hô hấp ở Đại học Trung văn Hong Kong. Ông nhắc lại ghi nhận của các bác sĩ đã tới Vũ Hán để “chi viện”.
Y bác sĩ vô tình nhiễm bệnh
Mầm mống của số ca nhiễm kinh hoàng đối với y bác sĩ là ngay từ đầu, thông tin về khả năng bệnh lây từ người sang người không được thông tin.
Sự trì hoãn trong việc công bố thông tin đồng nghĩa với việc nhân viên y tế không hiểu rõ về nguy cơ tiềm tàng trong giai đoạn đầu dịch bệnh.
Cựu Bí thư Thành ủy Vũ Hán Ma Guoqiang thừa nhận sự chậm trễ này trong cuộc phỏng vấn ngày 31/1, giữa lúc mạng xã hội giận dữ về cách xử lý của giới chức. Ông Ma vừa bị cách chức cách đây hai ngày.
“Ngay bây giờ, tôi cảm thấy tội lỗi, tiếc nuối và tự vấn bản thân”, ông Ma Guoqiang, từng là quan chức cấp cao nhất của Vũ Hán, nói trên đài truyền hình nhà nước CCTV.
“Nếu chúng ta có những biện pháp như bây giờ vào thời điểm đó, đại dịch có lẽ đã được giảm phần nào, và không đến mức như hiện giờ”.
Chính quyền liên tục khẳng định không có nhân viên y tế nhiễm bệnh, gây ra sự lầm tưởng về thông tin quan trọng rằng bệnh không thể lây từ người sang người.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã lên tiếng cảnh báo đầu tiên về dịch bệnh, bị cảnh sát điều tra và buộc phải im lặng.
Sau này, Tòa án Tối cao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích cảnh sát, và nói nếu mọi người đã nghe theo cảnh báo của bác sĩ Lý, họ có thể đã có sự đề phòng như đeo khẩu trang, tẩy trùng thường xuyên và ngừng tới chợ bán thịt động vật hoang dã.
Không hiểu rõ nguy cơ, các y bác sĩ chỉ đeo khẩu trang dùng một lần, mà các chuyên gia cho là không đủ để phòng bệnh khi điều trị bệnh nhân.
“Nhân viên y tế nên đeo khẩu trang N95, kính bảo vệ hoặc mặt nạ che mặt, và bộ quần áo bảo hộ, không chỉ trong phòng cách ly, mà còn trong khoa cấp cứu - nói chung là tất cả những nơi có thể tiếp xúc với bệnh nhân virus corona”, Ivan Hung, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm Đại học Hong Kong, nói với CNN.
Sự chậm trễ chết người
Bác sĩ Lý, 34 tuổi, đã qua đời sau khi vô tình bị lây virus corona từ bệnh nhân mà anh điều trị. Cái chết của anh khiến cộng đồng mạng trên khắp Trung Quốc phẫn nộ, đòi hỏi lời xin lỗi.
Bác sĩ Lý, 34 tuổi, đã qua đời sau khi vô tình bị lây virus corona từ bệnh nhân mà anh điều trị. Ảnh: New York Times.
Trong những ngày đầu lây lan, từ ngày 1-10/1, đã có 7 nhân viên y tế ở Vũ Hán có triệu chứng nhiễm virus corona, theo một khảo sát 425 ca nhiễm ở Vũ hán trên Tạp chí Y học New England vào tháng trước.
Các ca bệnh của nhân viên y tế chỉ được hé lộ ngày 20/1, khi Chung Nam Sơn, chuyên gia của chính phủ, trả lời CCTV cho biết virus có thể lây từ người sang người. Ông nói 14 nhân viên y tế đã nhiễm bệnh.
Chỉ đến lúc này, Ủy ban Y tế Vũ Hán mới thừa nhận rằng “có tổng cộng 15 nhân viên y tế được chẩn đoán nhiễm chủng virus corona mới tính đến 21/1”.
Đến ngày 14/2, con số 1.716 nhân viên y tế nhiễm virus corona mới được công bố.
“Vấn đề chính nằm ở những ngày đầu dịch bệnh, gây hậu quả cho đến ngày nay”, giáo sư Hung, từ Đại học Hong Kong, nói với CNN.