|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đang bị bỏ không, chưa được sử dụng

11:05 | 21/07/2021
Chia sẻ
Tình trạng mất cân bằng trong nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn trên toàn thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển dư thừa số lượng lớn vắc xin thì tại các nơi khác trên thế giới lại đang trong tình trạng thiếu hụt vắc xin.

Mỹ, Liên minh châu Âu cùng các quốc gia sản xuất, xuất khẩu vắc xin khác đang có khoảng 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 chưa được sử dụng. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt vắc xin đang khiến chiến dịch tiêm chủng tại các quốc gia châu Á gặp nhiều khó khăn, theo Nikkei Asia đưa tin.

Một cơ chế để các quốc gia dư thừa vắc xin có thể cung cấp cho những nước đang có nhu cầu là điều không thể thiếu để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 trên quy mô toàn cầu.

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Mỹ đã viện trợ 46 triệu liều vắc xin cho các nước đang phát triển cùng các quốc gia khác từ nguồn cung trong nước. Hàn Quốc cũng đã ký một thỏa thuận hoán đổi với Israel để mượn vắc xin dư thừa. Tuy nhiên, số lượng vắc xin theo các thỏa thuận vẫn ít hơn rất nhiều so với nhu cần thực thế của các quốc gia trên thế giới.

Việc một số quốc gia đang xem xét tiêm mũi tăng cường, hay liều thứ ba, đang gây ra nỗi lo ngại rằng quá trình giải quyết tình trạng thiếu hụt sẽ còn bị chậm trễ hơn nữa.

Thừa vắc xin ở các nước phát triển

Nikkei Asia đã khảo sát số lượng vắc xin được mua và số liều đã được tiêm chủng ở 33 quốc gia nơi có dữ liệu có thể tiếp cận, bao gồm Mỹ, các quốc gia châu Âu và Ấn Độ, để tìm ra số lượng vắc xin bị tồn kho.

150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đang bị bỏ không, chưa được sử dụng - Ảnh 1.

Một điểm tiêm chủng tại Trung tâm Tổ chức Sự kiện Lumen Field ở Seattle, Washington. (Ảnh: Reuters).

Theo đó, Chính phủ Mỹ đã chuyển 390 triệu liều vắc xin tới các địa điểm tiêm chủng được chỉ định. Trong đó, mới có khoảng 340 triệu liều đã được tiêm cho người dân và còn khoảng 50 triệu liều chưa được sử dụng. Dựa trên số liệu tiêm chủng hàng ngày gần đây, Mỹ đang có nguồn vắc xin dư thừa đủ dùng cho khoảng 100 ngày.

Tại châu Âu, ngoại trừ nước Anh, hiện vẫn còn khoảng 80 triệu liều vắc xin chưa được sử dụng, gồm 14,7 triệu liều ở Đức và 10,6 triệu liều ở Pháp.

Các quốc gia dẫn đầu trong việc tiêm chủng, điển hình là những nước sản xuất vắc xin, thường rơi vào tình trạng trì trệ trước khi đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số hoàn thành tiêm chủng. Tốc độ tiêm chủng tại Israel đã giảm mạnh khi chạm mốc 60%, trong khi con số đó ở Mỹ và Anh là 50%.

Trong tháng 6, lượng vắc xin tồn kho đã tăng lên đến 70% ở châu Âu, do sự gia tăng tình trạng người dân từ chối tiêm chủng, vì lo sợ những tác dụng phụ.

Thiếu vắc xin ở nhiều quốc gia trên thế giới

Ngay cả giữa các quốc gia sản xuất vắc xin vẫn tồn tại sự chênh lệch về nguồn cung do còn phụ thuộc vào việc có thể ưu tiên nguồn cung trong nước hay không. Tại Ấn Độ, nơi sản xuất vắc xin của AstraZeneca, đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu vào cuối tháng 3 sau đợt bùng phát dịch nghiêm trọng ở trong nước. Do đó, lượng vắc xin tồn kho trong nước đã lên đến 20 triệu liều, giúp phần nào xoa dịu tình trạng khan hiếm.

150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đang bị bỏ không, chưa được sử dụng - Ảnh 2.

Người dân Ấn Độ đứng chờ tiêm vắc xin tại một điểm tiêm chủng. (Ảnh: Reuters).

Mặc dù là nơi sản xuất vắc xin AstraZeneca, số người tiêm chủng tại Hàn Quốc lại đang giảm mạnh, từ 800.000 người/ngày vào hồi tháng 6 xuống còn 100.000 người/ngày trong thời gian gần đây.

Tình trạng mất cân bằng trong việc tiếp cận vắc xin diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt là các quốc gia châu Á và châu Phi do chủ yếu dựa vào nguồn cung từ nước ngoài. Nhiều quốc gia tại các khu vực này đang phải đẩy mạnh quá trình mua vắc xin nhưng vẫn chưa đảm bảo đủ số lượng cần thiết.

Các quốc gia có số vắc xin dư thừa có thể muốn giữ lại cho những người chưa được tiêm phòng, nhằm chuẩn bị cho sự lây lan dịch COVID-19 do biến thể Delta gây ra.

Theo ông Anthony McDonnell, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, sự mất cân bằng nguồn cung có thể tiếp tục xảy ra do các nhà sản xuất không thể đáp ứng kịp nhu cầu.

Theo thống kê chung của Nikkei và Financial Times, tính đến ngày 15/7, đã có khoảng 3,5 tỷ liều vắc xin được tiêm trên toàn thế giới. Để đạt mức miễn dịch cộng đồng, thế giới sẽ cần thêm khoảng 7,2 tỷ liều (hoàn thành tiêm chủng với hai mũi vắc xin).

Trong trường hợp phải tăng cường thêm mũi thứ ba để chống lại biến chủng Delta, thế giới sẽ phải cần đến 12,6 tỷ liều, gấp khoảng 4 lần số lượng vắc xin đã được tiêm.

Hiện Anh và Israel đang chuẩn bị cho đợt tiêm chủng thứ ba. Trong khi, một số quốc gia sử dụng vắc xin do Trung Quốc sản xuất lại dự định sử dụng các loại vắc xin của Mỹ và Anh (Pfizer, Moderna, AstraZeneca,...) cho lần tiêm thứ hai.

Phương Trang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.