13 doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu Lào Cai 'cầu cứu' Thủ tướng vì một quy định mới của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan
Bất nhất trong cách tính thuế
Tại phiên thảo luận về báo cáo kinh tế, xã hội ngày 30/5 tại hội trường Nhà Quốc hội, ĐBQH đoàn Lào Cai bà Giàng Thị Bình đã nêu hiện trạng này.
Theo bà Giàng Thị Bình, quy định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định tại Điều 10 Thông tư số 205 năm 2010 của Bộ Tài chính, hướng dẫn Nghị định số 40 năm 2007 của Chính phủ quy định về việc xác đinh trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 29 năm 2014 của Bộ Tài chính.
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những năm vừa qua, Chính phủ, Bộ Công Thương đã cho phép 13 doanh nghiệp được xuất khẩu quặng sắt qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Quá trình thực hiện xuất khẩu quặng sắt các doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm các quy định của nhà nước, đồng thời có văn bản báo cáo các cơ quan quản lý hướng dẫn về kê khai nộp thuế để đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh minh họa: Bảo Trung
Tuy nhiên, theo bà Giàng Thị Bình, quy định về xác định trị giá hải quan còn chưa rõ ràng, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nộp thuế rất khó xác định tại thời điểm kê khai thuế xuất khẩu.
Bà Giàng Thị Bình cho hay, về tổ chức thu ngân sách trên địa bàn, việc xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu được thực hiện theo Luật Thuế xuất nhập khẩu và Luật Hải quan quy định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu là giá bán của hàng hóa đến cửa khẩu xuất không bao gồm phí bảo hiểm và phí vận tải quốc tế. Thực tế khi vận dụng việc xác định trị giá hải quan đối với hàng xuất khẩu nói chung, mặt hàng quặng, sắt nói riêng tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai nhiều năm qua chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp, lúng túng cho cơ quan quản lý.
Trong các văn bản của Bộ Tài chính trả lời đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai về cách xác định trị giá hải quan đối với mặt hàng quặng sắt xuất khẩu từ năm 2014 đến năm 2017, Bộ này đều khẳng định trị giá hải quan để tính thuế xuất khẩu mặt hàng quặng sắt chưa có thuế xuất khẩu.
Tuy nhiên, tháng 4/2019, Bộ Tài chính đã có văn bản số 4693 và sau đó là văn bản số 2480 của Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan Lào Cai ban hành kết luận kiểm tra theo hướng ấn định số thuế xuất khẩu các doanh nghiệp phải nộp bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Hai văn bản này thay thế các nội dung về xác định trị giá hải quan cho hàng hóa xuất khẩu tại các công văn trước đó và ấn định ấn định số thuế xuất khẩu quặng sắt phải nộp từ 13 doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu Lào Cai.
Theo đó, Kiểm toán nhà nước xác định trị giá hải quan mặt hàng quặng sắt xuất khẩu bao gồm cả thuế xuất khẩu quặng sắt, thuế xuất khẩu lại tính trên thuế xuất khẩu.
"Trong khi, từ trước tới nay, xác định trị giá hải quan mặt hàng quặng sắt xuất khẩu đều khẳng định không bao gồm thuế xuất khẩu quặng sắt"- bà Giàng Thị Bình nêu.
Tăng thuế thêm 16% và phải nộp bổ sung 405 tỷ đồng
Cũng về thực trạng này, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng đã ký báo cáo số 187 gửi Thủ tướng về các khó khăn, vướng mắc trong xác định trị giá tính thuế quặng sắt xuất khẩu.
Theo đó, 13 doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng cho rằng, quy định về xác định trị giá hải quan trong văn bản trên còn chưa rõ ràng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp nộp thuế rất khó xác định tại thời điểm kê khai thuế xuất khẩu.
Nếu xác định trị giá tính thuế theo công thức bao gồm cả thuế xuất khẩu thì thuế suất của mặt hàng quặng sắt mà doanh nghiệp phải nộp sẽ là 56%, tăng thêm 16% so với thuế suất theo quy định mặt hàng quặng sắt là 40%.
Ngoài ra, đại diện 13 doanh nghiệp cho hay, họ không thể thực hiện được yêu cầu của các văn bản trên vì phương án kinh doanh từ năm 2015 tới 2018 đã thực hiện xong, kết quả sản xuất kinh doanh đã được hạch toán theo thực tế, các doanh nghiệp đã kê khai và nộp thuế theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng.
"Nếu thực hiện truy thu số thuế theo văn bản số 2480 thì tổng số tiền 13 doanh nghiệp phải nộp bổ sung lên tới 405 tỷ đồng, chưa bao gồm tiền chậm nộp, tiền phạt hành chính. Cách tính đưa thuế xuất khẩu vào trị giá tính thuế khiến các doanh nghiệp xuất khẩu quặng sắt sẽ bị lỗ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí phải đối mặt với tình trạng dừng hoạt động hoặc phá sản…"- ông Lê Ngọc Hưng nêu.
Tại diễn đàn Quốc hội, bà Giàng Thị Bình đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi hướng dẫn bổ sung quy định của pháp luật về xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu để thống nhất cách hiểu và áp dụng đối với cùng một mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời chỉ đạo kiểm tra xem xét giải quyết dứt điểm việc xác định trị giá mặt hàng quặng sắt xuất khẩu và xác định thuế xuất khẩu quặng sắt của doanh nghiệp, xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Còn ông Lê Ngọc Hưng trong văn bản gửi Thủ tướng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính sửa đổi các văn bản quy định về xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để cụ thể hơn về nguyên tắc và phương pháp xác định, tránh việc có nhiều văn bản hướng dẫn không thống nhất.
Đề nghị Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai, nộp thuế xuất khẩu quặng sắt theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại các văn bản ban hành năm 2014, 2016, 2017.
Đối với văn bản số 4693 và 2480, đề nghị cho phép thực hiện tại thời điểm từ ngày ban hành văn bản và Bộ Tài chính xem xét, đưa nội dung vào văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất thực hiện trên cả nước và không tính tiền chậm nộp đối với các khoản tiền chậm nộp đối với các doanh nghiệp do vướng mắc về các hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước.