100 ngày của Elon Musk tại Twitter: Hàng nghìn nhân viên bị sa thải, mất ngôi giàu nhất thế giới, công ty bị ví như 'bãi rác'
Tỷ phú Elon Musk, CEO công ty xe điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX, đã hoàn tất thương vụ mua lại gây bão toàn cầu mang tên Twitter vào tháng 10/2022.
Gần đây, ông đã dành thời gian để nói chuyện với một chính trị gia mang tên Dave Rubin tại trụ sở của Twitter. Trong cuộc nói chuyện đó, theo Rubin, tỷ phú Elon Musk đã tự miêu tả về trạng hiện tại của công ty.
“Anh ấy (Elon Musk) nghĩ rằng có lẽ phải phá bỏ toàn bộ mã và bắt đầu viết lại mã từ đầu”, Rubin chia sẻ trong một bài đăng sau chuyến thăm trụ sở Twitter. Sau đó, Elon Musk đã miêu tả Twitter giống như “một thùng rác đang bốc cháy”.
100 ngày đầu tiên của tỷ phú Elon Musk trên cương vị là người lãnh đạo Twitter sẽ kết thúc vào cuối tuần này, và vị tỷ phú này ít nhất đã đúng về một điều: Twitter hiện giờ “giống như một bãi rác”.
Các cơ sở mã nguồn cũ thực sự có vấn đề, điều được bất kỳ kỹ sư nào đã làm việc với công ty truyền thông mạng xã hội này thừa nhận, nhưng các nhân viên cũ và hiện tại nói rằng công ty còn vấn đề thứ hai, cấp bách hơn, và đó chính là chính Musk.
Twitter rõ ràng đang đối mặt với nhiều vấn đề, và có không ít trong số đó là những vấn đề do tự công ty gây ra. Elon Musk đã thực hiện việc sa thải hơn một nửa tổng lực lượng lao động của công ty kể từ khi ông tiếp quản Twitter. Nhiều người trong số những người bị sa thải phụ trách các dự án hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng.
Elon Musk cũng khiến cho các nhà quảng cáo sợ hãi với những dòng tweet không thể đoán trước của mình, qua đó khiến nhiều nhà quảng cáo rời bỏ mạng xã hội này.
Kế hoạch cung cấp dấu tích xanh xác thực tài khoản cho bất kỳ ai chấp nhận trả một mức phí cụ thể đã thất bại, qua đó ảnh hưởng tới phần lớn doanh thu của Twitter trong suốt giai đoạn này.
Theo Bloomberg, hệ quả từ những điều trên đã được nhận thấy rõ thông qua việc chính Elon Musk đã không ít lần nói về nguy cơ phá sản của doanh nghiệp. Những nỗ lực của ông trong việc kiểm duyệt nội dung cũng gây ra nhiều tranh cãi, ngay từ trong nội bộ doanh nghiệp. Việc thiết lập các kế hoạch và điều khoản cụ thể dưới thời Elon Musk cũng bị chậm tiến độ so với kế hoạch đã đề ra trước đó.
Trong khi đó, các bản cập nhật sản phẩm dưới thời Elon Musk rất khiêm tốn. Twitter bắt đầu hiển thị số lượng người xem trên mỗi dòng tweet, một ý tưởng mà các nhân viên cũ trước đây đã cân nhắc và loại bỏ vì các con số có xu hướng nhắc nhở người dùng về số lượng người thực sự tương tác với bài đăng của họ.
Dòng thời gian thuật toán mới có tên For You hiển thị nhiều tweet hơn từ các tài khoản mà người dùng không theo dõi. Đây có thể là một bước quan trọng để tạo ra nhiều tăng trưởng hơn cho doanh nghiệp, nhưng cho đến nay vẫn nhận về không ít ý kiến trái chiều. Một số ý tưởng lớn khác, bao gồm khởi chạy lại Vine, một dịch vụ chia sẻ video dạng ngắn, vẫn chưa được thực hiện.
Chính Elon Musk cũng đã trải qua giai đoạn đi xuống trên bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu kể từ khi tiếp quản Twitter. Giá trị khối tài sản ròng của Elon Musk đã giảm trong nhiều tháng sau đó, đồng thời cũng bị tỷ phú Benard Arnault vượt qua trên bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu. Hiện tại, ông đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 175 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Có lẽ thành tựu lớn nhất kể từ khi Elon Musk trở thành ông chủ mới của Twitter là việc doanh nghiệp này cho đến nay vẫn tồn tại. Các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về việc Musk có thể cắt giảm một nửa lực lượng lao động và giữ cho Twitter hoạt động ổn định. Cho đến nay, điều này vẫn đang đúng.
Tất nhiên, việc đặt mục tiêu chỉ tồn tại không phải là tiêu chuẩn mà các chuyên gia áp dụng đối với bất kỳ công ty công nghệ danh tiếng nào, đặc biệt là công ty do tỷ phú Elon Musk điều hành.
100 ngày đầu tiên của Elon Musk tại Twitter có thể cho chúng ta biết nhiều điều về chương trình chính sách của một nhà lãnh đạo. Quãng thời gian này là chưa đủ để kết luận liệu họ có thành công thành công.
Dù vậy, theo Bloomberg, vẫn có lý do để lạc quan với tương lai của Twitter dưới thời Elon Musk. Bất chấp những vấp ngã ban đầu, Elon Musk vẫn đầu tư rất nhiều vào Twitter và việc ông công nhận những khó khăn của công ty có thể đồng nghĩa với việc các bản sửa lỗi đang được tiến hành.
“Đây chắc chắn là một công việc đang tiến triển”, Musk nói trên podcast All-In vào cuối tháng 12/202. “Một trong những điều đầu tiên tôi nói sau khi thương vụ mua lại kết thúc là, “Chúng ta sẽ mắc một loạt sai lầm, nhưng sau đó chúng ta sẽ cố gắng khắc phục chúng một cách nhanh chóng”. Và đó là những gì chúng tôi đã làm được”.