10 nước dự trữ vàng nhiều nhất thế giới: Mỹ chiếm ưu thế vượt trội
Vàng là một tài sản có độ an toàn cao mà nhà đầu tư thường tìm đến trong thời kì rối ren, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra như hiện nay.
Dù chế độ bản vị vàng đã bị loại bỏ từ những năm 1970, các NHTW trên toàn cầu vẫn tích trữ vàng vì tính ổn định, ít lay chuyển trước biến động chính trị hoặc kinh tế và có thể đổi thành tiền mặt khi cần thiết của vàng.
Ngay cả trước đại dịch, nền kinh tế toàn cầu đã có một số dấu hiệu cảnh báo và nhiều nước bắt đầu tích trữ thêm vàng.
Năm ngoái, các NHTW trên thế giới đã mua thêm 650 tấn vào bổ sung vào kho dự trữ, mức cao thứ hai trong 50 năm qua và chỉ xếp sau 656 tấn vào mua thêm năm 2018.
Cùng lúc, các NHTW thế giới còn nỗ lực mang vàng trở về quê nhà, chủ yếu từ kho chứa ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) - hai cơ quan tài chính nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới.
Ngoài ra, vàng còn được coi là rào chắn tốt trước rủi ro lạm phát vì chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng cao thường có xu hướng làm giảm giá trị đồng USD.
Khi các NHTW in thêm tiền để nỗ lực kích thích nền kinh tế vực dậy từ suy thoái, lạm phát là một nỗi lo sợ hiện hữu và các tài sản như vàng có thể giữ vững giá trị thực trong thời gian dài, biến vàng trở thành "mái nhà trú ẩn" tránh rủi ro đó.
Trong nửa đầu năm 2020, vàng đã tăng 16,8% tính theo đồng USD và vượt trội hơn so với hầu hết tài sản khác. Tính đến 16h15 ngày 24/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên Kitco.com đang giao dịch quanh ngưỡng 1.893 USD/ounce - cách không xa mức đỉnh 9 năm là 1.900 USD/ounce.
Kể từ đầu năm 2020, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (TCMB) đã mua đến 148 tấn vàng, trở thành khách mua vàng lớn nhất thế giới cho đến thời điểm này của năm.
Ông Adam Glapinski - Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP), cho hay "vàng tượng trưng cho sức mạnh của một quốc gia".
Vậy, quốc gia nào đang dự trữ nhiều vàng nhất thế giới? Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, 10 nước dưới đây có trữ lượng vàng chính thức cao nhất:
10. Hà Lan
Trữ lượng: 612,5 tấn, chiếm 70,9% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Vào năm 2014, Hà Lan đã "hồi hương" 20% trữ lượng vàng từ hầm chứa của Fed chi nhánh New York về thủ đô Amsterdam.
Năm 2019, Ngân hàng Quốc gia Hà Lan (DNB) đã gọi kim loại vàng này là "mỏ neo của niềm tin" và "con heo tiết kiệm hoàn hảo" cho hệ thống tài chính trước thời kì khủng hoảng kinh tế.
9. Ấn Độ
Trữ lượng: 654,9 tấn, chiếm 7,5% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Ấn Độ là nhà nhập khẩu vàng lớn thứ hai thế giới và cũng là một trong các động lực thúc đẩy nhu cầu vàng trên phạm vi toàn cầu vì đa phần trữ lượng vàng của đất nước Nam Á này đều từ nhập khẩu mà ra.
Các lễ hội và mùa cưới xin kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm thường là thời kì bùng nổ cho ngành kinh doanh vàng bạc tại Ấn Độ.
8. Nhật Bản
Trữ lượng: 756,2 tấn, chiếm 3,1% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là một trong các NHTW tích cực nới lỏng định lượng nhất. Năm 2016, BoJ hạ lãi suất xuống dưới mức 0, từ đó giúp thúc đẩy nhu cầu vàng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
7. Thụy Sĩ
Trữ lượng: 1.040 tấn, chiếm 6,5% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Dù xếp hạng 7, Thụy Sĩ lại sở hữu trữ lượng vàng bình quân đầu người lớn nhất trong top 10. Phần lớn giao dịch vàng của Thụy Sĩ được thực hiện với Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
6. Trung Quốc
Trữ lượng: 1.948,3 tấn, chiếm 3,4% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Trung Quốc là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, chiếm 12% tổng sản lượng khai thác toàn cầu.
Đồng thời, Trung Quốc còn là nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới vì nhu cầu mua vàng trong tầng lớp trung lưu tại đất nước tỉ dân ngày càng lớn mạnh.
5. Nga
Trữ lượng: 2.299,2 tấn, chiếm 22,6% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) là nhà nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới trong 7 năm qua và kho dự trữ vàng của nước này thậm chí tăng hơn 400 tấn chỉ trong hai năm trước.
Năm 2017, Nga mua 224 tấn vàng thỏi nhằm giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD khi quan hệ giữa Moscow và phương Tây trở nên lạnh nhạt kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đạo Krym năm 2014.
4. Pháp
Trữ lượng: 2.436 tấn, chiếm 65% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Phần lớn dự trữ vàng của Pháp được thu mua trong những năm 1950 và 1960 và hiện đang cất giữ tại hầm chứa của Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) ở thủ đô Paris. BoF đã bán một phần nhỏ trong kho vàng trong 7 năm qua, tuy nhiên một số quan chức kêu gọi nên ngừng hành động này lại.
3. Italy
Trữ lượng: 2.451,8 tấn, chiếm 70,8% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Không giống hầu hết quốc gia khác, dự trữ vàng của Italy không phải do chính phủ nắm giữ mà do Ngân hàng Trung ương Italy kiểm soát và đang được lưu trữ tại hầm chứa ở Rome cũng như tại Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), Fed chi nhánh New York và BoE.
Khi đất nước rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính, chính phủ Italy nêu rõ họ không có ý định bán dự trữ vàng của NHTW để bù lỗ ngân sách.
2. Đức
Trữ lượng: 3.363,6 tấn, chiếm 75,2% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Trong giai đoạn 2012 - 2017, Đức đã mang một lượng lớn vàng dự trữ (cụ thể là 674 tấn) hồi hương từ Paris và New York về Frankfurt.
1. Mỹ
Khối lượng: 8.133,5 tấn, chiếm 78,9% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Dự trữ vàng của Mỹ gần bằng tổng trữ lượng của Đức, Italy và Pháp cộng lại. Đồng thời, tỉ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng cao nhất trong top 10.
Hơn một nửa trữ lượng vàng của Mỹ, khoảng 4.583 tấn trị giá khoảng 236,4 tỉ USD, đang được chứa tại Kho chứa Vàng Mỹ ở Fort Knox.