|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nghịch cảnh doanh nghiệp khai thác ngồi nhìn mỏ vàng khi giá vàng tăng phi mã

06:34 | 25/07/2020
Chia sẻ
Năm 2019, tổng sản lượng vàng kim loại của Vàng Lào Cai vỏn vẹn 5,46 kg, nhỉnh hơn 1% so với công suất thiết kế 500 kg/năm do công ty phải dừng toàn bộ việc khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ vàng Minh Lương.

CTCP Vàng Lào Cai (Mã: GLC) là doanh nghiệp duy nhất trên thị trường chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ vàng với vốn điều lệ 105 tỉ đồng.

Được biết, Vàng Lào Cai thành lập vào năm 2007 tại Văn Bàn, tỉnh Lào Cai với số vốn điều lệ ban đầu 45 tỉ đồng. Trong 5 cổ đông sáng lập có Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP sở hữu 33% vốn điều lệ.

Kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động chính của Vàng Lào Cai là thực hiện Dự án đầu tư Khai thác và Tuyển quặng vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Sản lượng thiết kế tối đa 7.450 tấn tinh quặng vàng hàm lượng 82 gam Au/tấn mỗi năm, tương đương với sản lượng khai thác khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Sản lượng khai thác cao nhất qui đổi ra vàng kim loại là 500 kg vàng/năm.

Trong bối cảnh giá vàng tăng "điên loạn" như hiện nay là cơ hội đối với các doanh nghiệp khai thác vàng. Tuy nhiên, trên thực tế Vàng Lào Cai đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong hoạt động kinh doanh và phải dừng toàn bộ việc khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ vàng Minh Lương.

Nguyên nhân là Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT số 12121000234 thay đổi lần thứ 3 ngày 30/5/2014) và giấy phép khai thác khoáng sản (GPKTKS số 2915/GP-BTNMT cấp ngày 19/12/2016 đến ngày 26/4/2019) đã hết hạn.

Doanh nghiệp cho biết đã thực hiện những thủ tục cần thiết xin Bộ Tài nguyên và Môi trường gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà chưa thể hoàn thành.

Bên cạnh việc hầu hết giấy tờ pháp lí đã và sắp hết hạn, Vàng Lào Cai còn gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc bộ máy quản lí, phối hợp lên phương án truy quét vàng tặc, xử lí hàng tồn kho.

Đặc biệt, sau khi Tổng công ty Khoáng sản TKV thoái vốn, hầu hết nhân sự cũ của công ty đã đồng loạt nghỉ việc dẫn đến công ty buộc phải cơ cấu tổ chức lại bộ máy hoạt động. 

Liên quan đến thương vụ thoái vốn này, TKV từng ban hành nghị quyết thoái toàn bộ hơn 4,8 triệu cổ phiếu GLC với điều kiện đi kèm là nhà đầu tư phải trả số tiền CTCP Vàng Lào Cai đang nợ Tổng công ty (hơn 28 tỉ đồng).

Nghịch cảnh doanh nghiệp khai thác vàng ngồi nhìn mỏ vàng khi giá vàng tăng phi mã - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông của Vàng Lào Cai. Nguồn: GLC

Tính đến ngày 31/12/2019, công ty có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng 88,96% vốn điều lệ. Cụ thể, ông Cao Trường Sơn (23,29%), ông Chu Quang Tú (22,86%), ông Phạm Anh Tuấn (20,09%), ông Uông Huy Giang (22,91%). Đáng chú ý, tất cả cổ đông lớn của Vàng Lào Cai đều không tham gia vào bộ máy lãnh đạo và quản lí.

Trong năm 2019, sản lượng khai thác quặng của Vàng Lào Cai chỉ đạt 748 tấn, chưa đến 1% so với kế hoạch 19.000 tấn. Sản lượng thực hiện như "muối bỏ biển" so với sản lượng thiết kế tối đa 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm của dự án. Theo đó, lượng kim loại vàng sản xuất cả năm là 5,46 kg, thực hiện 3,9% mục tiêu.

Kết quả kinh doanh năm 2019 lao dốc so với năm 2018 với tổng doanh thu sụt giảm 90% về 11,3 tỉ đồng và lỗ ròng 15,6 tỉ đồng. Khoản thu chính từ bán tinh quặng vàng giảm mạnh từ 108,5 tỉ đồng năm 2018 về 11,2 tỉ đồng năm 2019.

Trước tình trạng khó khăn gặp phải, Vàng Lào Cai không đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể cho năm 2020. Thay vào đó, công ty cho biết sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp trang thiết bị để tận thu tối đa hàm lượng vàng còn lại ngay sau khi được gia hạn giấy phép khai thác.

Nghịch cảnh doanh nghiệp khai thác vàng ngồi nhìn mỏ vàng khi giá vàng tăng phi mã - Ảnh 2.

Diễn biến giá vàng SJC 6 tháng gần đây. Nguồn: Webgia tổng hợp từ SJC

Căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh khiến triển vọng kinh tế thế giới trở nên bấp bênh, các đồng tiền lớn suy yếu, tất cả đẩy nhu cầu mua vàng của nhà đầu tư tăng cao đã khiến giá vàng chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính cho việc tăng mạnh của giá vàng là do sự bất an của người dân quốc tế và trong nước đối với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu hay Ấn Độ (quốc gia tiêu thụ vàng nhiều thứ hai trên thế giới).

Nhiều dự báo giá vàng trong nước cũng như giá vàng thế giới vẫn sẽ ở mức cao, do viễn cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới trong và sau đại dịch COVID-19. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính cho biết: "Tất cả những lo ngại trên đang tạo ra một tâm lí khủng hoảng cho các nhà đầu tư và họ tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn".

Ngày 21/7, lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng trong nước vượt ngưỡng 51 triệu đồng/lượng. Chỉ sau ba ngày, giá vàng trong nước dựng đứng và đã có lúc chạm mốc 56,4 triệu đồng/lượng vào lúc 10h sáng nay (24/7).

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng giá vàng trong nước có thể chạm tới mức 60 triệu đồng/lượng. Trên thế giới, giá vàng có thể cũng sẽ tiến đến ngưỡng 1.900 USD/ounce.

Thu Thủy