10 dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận phải giảm phát, thiệt hại khoảng 480 tỉ đồng
Quá tải hạ tầng truyền tải điện, NĐT năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận có thể thiệt hại 480 tỉ đồng
Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội sáng nay (31/10), Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nêu vấn đề quá tải hạ tầng truyền tải điện trong các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận khiến những dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể phát lên lưới, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt. Ảnh: Tuổi trẻ.
"Riêng Ninh Thuận có 18 dự án năng lượng tái tạo, 10 dự án giảm phát 60%, ước tính đến cuối năm nhà đầu tư thiệt hại khoảng 480 tỉ đồng", ông Việt cho biết.
Sau khi nêu thực trạng, vị đại biểu Quốc hội Đoàn Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sớm có phương án tháo gỡ khó khăn về hạ tầng truyền tải điện, giá mua - bán điện mặt trời, xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng truyền tải điện.
Tính đến 30/6/2019, tỉnh Ninh Thuận đã vận hành thương mại 19 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 1.050 MW. Trong đó 15 dự án điện mặt trời (công suất 971 MW) và 4 nhà máy điện gió (công suất 79,4 MW).
Điện mặt trời, điện gió bùng nổ trong nửa đầu năm 2019 - trước thời điểm hết hạn giá mua ưu đãi ở mức 9,35 cent/kWh. Trong vòng nửa năm, Việt Nam tăng gần 4.500 MW điện mặt trời, điện gió nhưng tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận gây khó khăn cho công tác truyền tải.
Lo sân bay Long Thành khó hoàn thành vì cán bộ thu mình cuối nhiệm kì
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai) cho biết, tỉnh Đồng Nai hiện đang gánh những trọng trách nặng nề để hoàn thành trách nhiệm liên quan đến dự án sân bay Long Thành.
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Báo Nông nghiệp VN.
Từ giờ đến hết nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ (giữa năm 2021) lại là "cao điểm của nhiệm vụ gian nan" là giải phóng mặt bằng, tái định cư vùng dự án sân bay Long Thành.
Ông Quốc cho rằng, vào thời điểm chuyển giao bộ máy quyền lực giữa 2 nhiệm kỳ, bộ máy công quyền "dễ thu mình, đóng băng, bất động, bởi sự trì trệ bắt nguồn từ mục tiêu an toàn, để giữ vững hoặc cải thiện vị thế trong bộ máy quyền lực. Điều đó làm phương hại đối với việc chỉ đạo dịch vụ công liên quan đến dự án, người dân".
"Với các dự án lớn, nếu không khắc phục được điều đó, nếu không có sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì việc xây dựng sân bay Long Thành khó hoàn thành", ông Quốc nói và nêu mong muốn trung ương hành động để Đồng Nai thực hiện trách nhiệm với dự án của đất nước.
Cần biến chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế; đề nghị Chính phủ hỗ trợ TP HCM xây trung tâm tài chính
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) đánh giá cao tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 6,98% trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, giảm tốc.
Trong khi đó, căng thẳng Mỹ - Trung mang lại những tác động cả thuận lợi và không thuận lợi tới Việt Nam. Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ khiến Việt Nam nhập siêu hàng hóa tăng cao, kéo theo nhiều vấn đề như gian lận thương mại. Từ đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 62 tỉ USD từ Trung Quốc, tăng 16,1%, nhập siêu 29 tỉ USD.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quochoi.
Theo ông Nhân, điểm thuận lợi là khi hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, hàng hóa Việt sẽ thuận lợi. Việt Nam đã xuất 49,9 tỉ USD vào Mỹ, tăng 26,6% so với cùng kì, xuất siêu 37,9 tỉ USD.
"Khi nhiều nước đang đang bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, Việt Nam cần quan tâm thị trường trong nước. Cần triển khai hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới thích dùng", ông Ngân nói.
Đại biểu Ngân cũng đề nghị Chỉnh phủ cần quan tâm thị trường tín dụng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, tránh để nợ xấu quay lại. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu thị trường tài chính, biến chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ TP HCM xây dựng trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế.