|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH lo ngại nguồn vốn FDI không bền vững khi tăng đột biến từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan

17:11 | 30/10/2019
Chia sẻ
Thu hút FDI từ Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm tốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc, bao gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan. Chủ tịch VCCI lo ngại sự dịch chuyển theo hướng này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Phát biểu tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội hôm nay (30/10), Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, năm 2019 nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, Việt Nam là nhóm nước có tăng trưởng cao nhất ASEAN.

Cả 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%. Thất nghiệp dưới 4%. Tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm. Trên 130.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đầu tư xã hội được mở rộng.

loc2

Ông Vũ Tiến Lộc, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 30/10. Ảnh chụp màn hình VTV1.

Theo ông Lộc, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỉ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên… Đó là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.

Tuy nhiên, ông Lộc nhận định, nếu nhìn sang năm 2020, trong bối cảnh thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu thì mục tiêu tăng trưởng 6,8% của chúng ta là rất gian nan, bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu.

Từ nhận định trên, ông Lộc đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với tình huống này.

Chủ tịch VCCI cũng cảnh báo một số nguy cơ với nền kinh tế.

Với ngành chế biến chế tạo - khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm, đằng sau mức tăng sản lượng ấn tượng 11,37%, thì chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30/9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017.

"Vậy, sự tăng trưởng của ngành này có bền vững không khi các doanh nghiệp đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường?", ông Lộc nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

"Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng 8,2%, chỉ bằng khoảng một nửa tốc độ tăng cùng kì, bằng 1/3 vào những năm trước đó. Cơ cấu xuất khẩu có những bất lợi, khi xuất sang EU, Nhật Bản giảm tốc, nhưng vào Mỹ là tăng nhưng tiềm ẩn nhiều lo ngại", ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam là một trong 6 quốc gia xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ. Trong khi đó, hầu hết quốc gia xuất siêu cao vào Mỹ đều bị nước này trừng phạt.

"Ai dám chắc chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?", ông Lộc đặt câu hỏi.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình cũng cho hay, thu hút FDI từ hai đầu cầu quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm tốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc, bao gồm: Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan.

"Vốn đầu tư từ nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu đây là những nguồn FDI không bền vững, thiếu cân bằng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, những chỉ báo trên cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là "rất gian nan". Và động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn.

"Tôi đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu", ông Lộc nêu ý kiến.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khánh Hà

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.