Vướng mắc tại loạt dự án cao tốc làm nóng nghị trường Quốc hội
Tại phiên thảo luận tại hội trường trong phiên họp Quốc hội sáng nay (ngày 30/10), nhiều câu hỏi, vấn đề về vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện các dự án cao tốc, dự án hạ tầng giao thông lớn đã được các đại biểu nêu ra.
"Tại sao tuyến đường này lúc nào cũng khó khăn, vướng mắc?"
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) chất vấn về tình trạng chậm trễ trong triển khai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh: Quochoi.vn.
"Tại sao một số tuyến đường khác chưa cấp thiết, xây dựng xong nhưng lượng xe lưu thông không nhiều thì được thực hiện nhanh chóng, trong khi tuyến đường này lúc nào cũng khó khăn, vướng mắc?", ông Hận đặt câu hỏi.
Theo ông Hận, vào cuối tháng 9, đoàn lãnh đạo Chính phủ đã đi thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cho hay đã đồng ý bố trí hơn 3.000 tỉ đồng để đẩy nhanh tiến độ hai dự án nêu trên.
"Hi vọng sau kì họp Quốc hội, với sự quyết liệt của các ngành, các cấp, tuyến cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ sẽ hoàn thành đúng tiến độ, tiến tới đầu tư tuyến cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau giai đoạn 2021-2025 để đến năm 2025, chúng ta sẽ có tuyến cao tốc hiện đại, thông suốt từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau", vị đại biểu Quốc Hội tỉnh Cà Mau nói.
Liên quan tới vướng mắc trong việc thi công dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, bà Phạm Thị Thu Trang (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) muốn biết hướng giải quyết, xử lý của trung ương.
Bà phân tích sau khi hoàn thành dự án này, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hỏng vẫn chưa hoàn chỉnh, dù năm 2018 Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn đốc thúc chủ đầu tư là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Bà Trang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC khẩn trương hoàn thành các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng.
Đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn Lai Châu) đặt vấn đề chậm phân bổ nguồn vốn trong xây dựng tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Theo ông Bình, đây là 2 tuyến đường quan trọng đã được Chính phủ hoàn thành kí kết hiệp định vay vốn, nhưng cho đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khởi công dự án trong quý IV/2020 theo đúng tiến độ.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thành công tác điều chuyển tài sản, hạ tầng giao thông một số tuyến đường từ tỉnh lộ thành quốc lộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tránh để thị trường bất động sản có biến động lớn gây đổ vỡ nền kinh tế theo hướng domino
Bên cạnh các vấn đề liên quan tới vướng mắc tại nhiều dự án giao thông lớn, tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá, lừa đảo bán nhà đất cũng được các cử tri nêu ra.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) cho hay, vụ việc lừa đảo ở Công ty Địa ốc Alibaba đã kéo dài trong 3 năm, diễn ra tại 3 tỉnh thành với trên 6.000 người có liên quan nhưng chỉ gần đây mới được xử lý. Theo ông Hiền, điều này cho thấy cơ quan nhà nước chưa thực hiện kịp thời chức năng của mình, có tình trạng trạng chạy theo để xử lý hậu quả, "mất bò mới lo làm chuồng".
Đại biểu Đoàn Thanh Hải (Tiền Giang) cho hay, tình trạng lừa đảo bán nhà, bán đất ở các dự án không có thật đã diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp.
Bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá để hưởng chênh lệch trong khi giá trị thật thấp hơn nhiều lần giá trị chuyển nhượng xảy ra tại các địa phương có nền kinh tế trọng điểm, khu đô thị.
Đại biểu tỉnh Tiền Giang đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát tình trạng nói trên, tránh tình trạng thị trường bất động sản có biến động lớn gây đổ vỡ nền kinh tế theo hướng domino như cách đây nhiều năm.