1 tháng điều chỉnh giá xăng dầu 3 lần: Doanh nghiệp 'kẻ mừng, người lo'
Doanh nghiệp "kẻ mừng, người lo"
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị định về kinh doanh xăng dầu trong đó nổi bật là quy định rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 ngày xuống còn 10 ngày, định kỳ vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Thay đổi này có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT CTCP Xăng dầu Tự Lực I cho biết: "Thời gian qua, giá xăng dầu biến động từng ngày, từng giờ nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn "lực bất tòng tâm", đối mặt với nhiều rủi ro vì phải chờ đến kỳ điều chỉnh đúng 15 ngày được thay đổi giá bán".
Cụ thể, nếu giá xăng dầu nhập khẩu tăng nhưng doanh nghiệp chưa kịp tăng giá thì lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ. Còn trường hợp, giá xăng dầu thế giới giảm mà giá trong nước chưa theo kịp đà, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.
Việc thay đổi tần suất điều chỉnh giá xăng dầu 3 lần/tháng sẽ có lợi cho đầu mối nhập khẩu, hệ thống bán lẻ và cả người tiêu dùng. Đồng thời, giúp giá xăng dầu trong nước tiến gần hơn với thị trường thế giới.
Thực tế trong thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, xăng dầu Tự Lực chỉ được chiết khấu 200 đồng/lít với mặt hàng dầu, 400 đồng/lít với mặt hàng xăng.
Sau khi trừ đi chi phí vận chuyển, doanh nghiệp thu về 100 đồng/lít/kg, không đủ bù đắp chi phí vận hành cả hệ thống.
Kể từ ngày 2/1/2022, đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu phải mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày của năm trước liền kề, bao gồm dự trữ an ninh năng lượng quốc gia và dự trữ lưu thông bắt buộc.
Ở một khía cạnh khác, vị này cho rằng khi kỳ điều chỉnh 10 ngày/lần thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ rút ngắn thời gian dự trữ từ 30 ngày xuống khoảng 20 ngày.
"Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực cho hàng dự trữ, giá bán gần hơn với thế giới. Từ đó, kỳ vọng mức chiết khấu cho các đầu mối xăng dầu sẽ được cải thiện", ông Tiu nói.
Trái ngược với sự vui mừng của doanh nghiệp xăng dầu, một số doanh nghiệp ngành logistics lại tỏ ra lo lắng, chưa biết phải xoay xở như thế nào với quy định mới.
Ông Vũ Trọng Tuệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Tân Nam Chinh cho biết xăng dầu chiếm khoảng 30 - 35% cơ cấu giá thành vận tải. Việc giá xăng dầu tăng đỉnh 7 năm đã khiến doanh nghiệp khó thương lượng với đối tác, các đơn hàng, lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.
"Đến đầu năm 2022, mỗi tháng điều chỉnh giá xăng dầu 3 lần tức là chúng tôi sẽ phải liên tục gửi bảng giá mới cho khách hàng.
Với những hợp đồng dài hạn, điều này gây khó xử cho cả hai bên", ông Tuệ nói.
Đại diện Tân Nam Chinh cho rằng đối với ngành logistics, thời hạn điều chỉnh giá xăng dầu khoảng 30 – 40 ngày/kỳ sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh bền vững và các doanh nghiệp xuất khẩu có sự chuẩn bị và không "sốc" trước những biến động mới.
Song, chỉ còn chưa đến hai tháng nữa, quy định mới sẽ đi vào hiệu lực nhưng bản thân Tân Nam Chinh đang khá lúng túng khi kế hoạch vận hành doanh nghiệp, làm việc với khách hàng khi kỳ điều chỉnh chỉ còn 10 ngày/lần.
"Với kỳ điều chỉnh 10 ngày/lần, chúng tôi cần chuẩn bị cho khách hàng nhiều phương án lựa chọn", ông Tuệ nói.
Giá xăng dầu trong nước tiến gần với thế giới, tất cả đều phải thích nghi
Nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày/lần giúp giá tiệm cận với xu hướng biến động của thị trường thế giới. Về lâu dài, cần nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều hành giá hơn nữa.
Chia sẻ với người viết, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết ở Việt Nam, xăng dầu được coi là "máu" của nền kinh tế, Nhà nước quản lý nên có các kỳ điều chỉnh giá.
"Song, chúng ta muốn xây dựng thị trường xăng dầu có tính cạnh tranh, giá cả lên xuống theo cơ chế thị trường.
Do đó, thời gian điều hành giá xăng dầu đã rút ngắn từ 30 ngày xuống 15 ngày, và nay là 10 ngày/lần. Với lộ trình này, tôi cho rằng trong tương lai, thời gian điều chỉnh có thể rút ngắn hơn nữa xuống 3 - 7 ngày/lần và dần dần giá xăng dầu hàng ngày sẽ vận động thế giới", ông Thịnh nói.
Chuyên gia này cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu theo thế giới là xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Các doanh nghiệp xăng dầu hay logistics đều phải thích nghi và có dự báo ngắn hạn, dài hạn để xây dựng kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.
Trao đổi với TTXVN, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đề xuất điều chỉnh giá xăng 10 ngày/lần là để sát hơn với giá biến động của thế giới.
Nếu trong 15 ngày mà giá thế giới có sự biến đổi rõ nét thì độ trễ điều hành trong nước chưa sát với tình hình thế giới và xét trong một số hiện tượng.
Nếu doanh nghiệp kỳ vọng giá tăng, sẽ có thể xảy ra hiện tượng găm hàng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Để tình trạng này, Bộ Công Thương đã sửa theo hướng rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng về 10 ngày/lần và có thêm biện pháp để trong trường hợp giá xăng dầu biến động bất thường quá lớn.
Trường hợp giá xăng dầu tăng sốc ảnh hưởng tới kinh tế xã hội và nguồn cung thì liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm điều hành hợp lý.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/