|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Yếu tố Trung Quốc trong tăng trưởng kinh tế Đức

07:47 | 24/11/2019
Chia sẻ
Nhu cầu lớn của Trung Quốc đối với ô tô, máy móc và công cụ kỹ thuật của Đức là động lực góp phần mang lại sự tăng trưởng ổn định cho kinh tế Đức, song động lực này đang bắt đầu lung lay.
Yếu tố Trung Quốc trong tăng trưởng kinh tế Đức - Ảnh 1.

Lắp ráp xe ô tô tại Nhà máy của Porsche ở Stuttgart (Đức). Ảnh: EPA/TTXVN

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tác động đến thương mại toàn cầu và các nhà máy của Trung Quốc đang trở thành đối thủ của những "người khổng lồ" Đức vốn từng là nhà cung cấp của họ.

Tình hình này diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với Đức. Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) ngày 14/11 công bố số liệu cho thấy Đức đã tránh được một cuộc suy thoái mang tính kỹ thuật, với mức tăng trưởng nhẹ 0,1% trong quý III/2019.

Mặc dù vậy, Destatis cũng cho hay mức sụt giảm tăng trưởng của quý II/2019 lớn hơn so với số liệu sơ bộ cho thấy, theo đó tăng trưởng kinh tế Đức bị thu hẹp 0,2%, chứ không phải 0,1% như báo cáo ban đầu. Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng Đức sẽ rơi suy thoái trong quý III/2019, khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm được coi là suy thoái mang tính kỹ thuật.

Dù đã tránh được một cuộc suy thoái, song có nhiều số liệu cho thấy Đức đang trong tình trạng trì trệ và nền kinh tế dựa vào xuất khẩu này vẫn phải đối mặt với những "cơn gió ngược" do bất ổn toàn cầu. 

Các công ty dịch vụ và thị trường việc làm vẫn tăng trưởng tốt ở Đức, song lĩnh vực công nghiệp, dẫn đầu là ô tô và máy công nghiệp, đã chứng kiến sự suy giảm giữa bối cảnh căng thẳng thương mại.

Mặc dù trao đổi thương mại giữa Đức và Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong quy mô nền kinh tế 3.400 tỷ euro (3.800 tỷ USD). Đây vẫn là một trong số các yếu tố đóng góp vào GDP của Đức mà Berlin có thể dựa vào để thúc đẩy tăng trưởng hàng năm.

Giờ đây, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa "Made in Germany" (Sản xuất tại Đức) đang "hạ nhiệt", và thậm chí ở một số lĩnh vực còn ghi nhận xu hướng giảm, thị trường xuất khẩu béo bở đã không còn là một động lực hỗ trợ cho kinh tế Đức.

Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, trao đổi thương mại Trung-Đức ở mức khá thấp. Từ khi Bắc Kinh bắt đầu tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa đến nay, tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong xuất khẩu của Đức đã tăng từ 0,6% năm 1990 lên 7,1% vào năm 2018.

Năm 2016, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức và vẫn duy trì vị trí này đến nay. Nhờ lĩnh vực xuất khẩu mà Đức rũ bỏ hình ảnh "ốm yếu" hồi thập niên 1990 và hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhanh hơn nhiều so với những quốc gia khác.

Các nhà sản xuất xe hơi như BMW và Volkswagen, những người khổng lồ công nghiệp như Siemens và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (được gọi chung bằng cái tên Mittelstand, đóng vai trò xương sống của cả nền kinh tế) đều được hưởng lợi nhờ lĩnh vực xuất khẩu "ăn nên làm ra".

Theo cách tiếp cận của người tiền nhiệm Gerhard Schroeder vào đầu những năm 2000, Thủ tướng Angela Merkel đã thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tháng 9/2019, bà Merkel đã có chuyến thăm Trung Quốc thứ 13 trong vòng 14 năm.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã tăng trưởng dương hàng năm trừ năm 2015, và kim ngạch đạt mức kỷ lục 93 tỷ euro vào năm 2018. 

Tuy nhiên, ngay cả trước khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu từ Đức sang Trung Quốc đã bắt đầu giảm dần, từ 13,3% năm 2017 xuống 8% năm 2018 xuống 2,7% trong 9 tháng đầu năm 2019, theo dữ liệu chính thức của Đức.

Số liệu hải quan Trung Quốc cũng cho thấy nhập khẩu của nước này từ Đức trong tháng 8/2019 đã giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này của tháng Chín là -9,2%. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu từ Đức đã giảm 2%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng trước đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế Đức xuống 0,5% trong năm 2019 và 1,2% trong năm 2020. IMF nhận định rằng nhu cầu đối với hàng hóa Đức của Trung Quốc yếu hơn là một yếu tố đằng sau sự suy giảm sản lượng công nghiệp của quốc gia châu Âu này, cùng với những tác động do cuộc chiến thương mại.

Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) cũng viện dẫn tranh chấp Mỹ-Trung và sự hạ nhiệt của nền kinh tế Trung Quốc khi dự đoán rằng xuất khẩu của Đức sẽ giảm vào năm tới, lần giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Brose Group, một nhà cung cấp phụ tùng ô tô ở Bavaria, cho biết, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc chậm lại là một trong những lý do khiến công ty quyết định cắt giảm 2.000 việc làm trong số lao động 26.000 người.

Axel Myme, nhà quản lý cấp cao tại cảng Hamburg, nhận định Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, nhưng xu hướng trong tương lai rất khó dự đoán. Cảng Hamburg, là một "cửa ngõ" xuất nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Ông Myme cho rằng vấn đề lớn nhất là xu hướng bảo hộ và đại diện lớn nhất là Washington.

Ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng hàng thập niên dành cho việc vun đắp quan hệ thương mại với Trung Quốc đã gây bất lợi cho ngành công nghiệp địa phương, và bây giờ họ muốn Berlin có một cách tiếp cận cứng rắn hơn.

Các quan chức Đức đã mô tả việc Trung Quốc thâu tóm công ty robot Kuka tại Bavaria vào năm 2016 như một lời cảnh tỉnh và nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế khỏi các nhà đầu tư nước ngoài.

Berlin đã thắt chặt các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài vào năm ngoái để có quyền điều tra và nếu cần, có thể ngăn chặn việc các thực thể ngoài châu Âu mua cổ phần của các công ty Đức. Đây được cho là một động thái nhắm đến các tập đoàn đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.

Mai Ly