|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ý kiến của Bộ Tài chính về qui định đầu tư ra nước ngoài

20:31 | 11/12/2020
Chia sẻ
Theo Bộ Tài chính việc qui định rõ, đầy đủ của các thành phần vốn đầu tư ra nước ngoài liên quan đến dự án là cần thiết để làm cơ sở xác định, đánh giá hiệu quả kinh tế của các dự án.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định qui định về đầu tư ra nước ngoài.

Theo Bộ Tài chính, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 thay thế Luật đầu tư năm 2014 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với thực tế.

Cần qui định rõ về vốn đầu tư ra nước ngoài - Ảnh 1.

Dự án tổ hợp trang trại bò sữa được Vinamilk đầu tư tại cao nguyên Xiêng Khoảng - Lào. (Ảnh: Báo Nhân Dân).

Bộ Tài Chính nhận định, việc Bộ KH&ĐT nghiên cứu xây dựng nghị định thay thế Nghị định 83/2015/NĐ-CP là cần thiết. Góp ý về nội dung Nghị định, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu, rà soát để phù hợp với qui định của các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan như Luật Quản lí, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đồng thời, đối với những qui định chung, chế độ báo cáo hoặc các nội dung không có tính chất đặc thù cần rà soát qui định để tương đồng, thống nhất với qui định việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, qui định đầu tư chứng khoán, giấy tờ có giá…

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lưu ý về khái niệm vốn đầu tư ra nước ngoài. Bởi theo bộ này, Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư ra nước ngoài (CNĐKĐTRNN) được cấp trong thời gian vừa qua, tiêu chí vốn đầu tư ra nước ngoài tại một số dự án là chưa được ghi nhận đồng bộ, thống nhất.

Theo Bộ Tài chính, việc qui định rõ, đầy đủ của các thành phần vốn đầu tư ra nước ngoài liên quan đến dự án là cần thiết để làm cơ sở xác định, đánh giá hiệu quả kinh tế của các dự án và việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo, giám sát việc thu hồi vốn, lợi nhuận…

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu qui định vốn đầu tư ra nước ngoài ghi tại Giấy CNĐKĐTRNN là toàn bộ những khoản nhà đầu tư trong nước chuyển ra nước ngoài (chuyển vốn góp, vốn cho vây, bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ vây của tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài) được phép chuyển ra theo qui định (phương án II).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung qui định vốn đầu tư nước ngoài bao gồm "lợi nhuận từ dự án tại nước ngoài được giữ lại để tái đầu tư" theo đúng qui định Luật Đầu tư.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, trong trường hợp thực hiện phương án II nêu trên, đề nghị Bộ KH&ĐT phối hợp với NHNN nghiên cứu, bổ sung cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án có việc cho vay ra nước ngoài và bảo lãnh cho người cư trú.

Đồng thời, trong qui định nội dung Giấy CNĐKĐTRNN cần ghi cụ thể đối với từng khoản này để thuận tiện việc đánh giá tình hình đầu tư, thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả đầu tư, phát hiện và xử lí các rủi ro (nếu có) của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Hơn 432 triệu USD đầu tư ra nước ngoài

Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 432,12 triệu USD, tăng 0,1% so với cùng năm 2019.

Trong đó có 96 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng đầu tư mới, với tổng vốn đăng đạt gần 268,35 triệu USD (giảm 12,8% so với cùng ) và 28 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 163,76 triệu USD (tăng 13,2% so với cùng năm 2019).

Riêng trong tháng 9/2020, có 10 dự án được cấp GCNĐKĐT mới và 3 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 101,9 triệu USD (giảm 59,8% so với tháng 8/2020).

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 10 dự án cấp mới và 7 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng 227,7 triệu USD, chiếm 52,7% tổng vốn đầu tư.

Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 62,5 triệu USD, chiếm 14,5%; tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống;…

Có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020. Dẫn đầu là Đức với 4 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng đạt 92,6 triệu USD, chiếm 21,4% tổng vốn đầu tư. Lào đứng thứ hai, với 88,4 triệu USD, chiếm 20,5%. Tiếp theo là Úc, Hoa Kì, Myanmar…

Khải An