|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Y bác sĩ từ tâm dịch Vũ Hán kể về ba bài học đắt giá trong cuộc chiến chống COVID-19

08:25 | 06/03/2020
Chia sẻ
Khi dịch virus corona (COVID-19) lan rộng trên toàn thế giới, nhiều chuyên gia lại tìm đến các phát hiện mới từ Trung Quốc đại lục - nơi COVID-19 khởi phát, để hiểu rõ hơn về dịch bệnh này.
Ba bài học đắt giá đội ngũ y bác sĩ ở Vũ Hán rút ra từ cuộc chiến đẩy lùi dịch virus corona - Ảnh 1.

Lên kế hoạch đối phó chính là chìa khóa để đẩy lùi dịch virus corona. (Ảnh: Getty Images)

Kể từ tháng 1 năm nay, đội ngũ y bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đã bắt tay vào nghiên cứu virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Triệu chứng của bệnh do chủng virus này gây ra chủ yếu khá nhẹ nhưng đôi khi có thể gây tử vong.

Hôm 4/3, các chuyên gia y tế từng điều trị cũng như nghiên cứu bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Vũ Hán đã chia sẻ hiểu biết của họ về dịch bệnh. Bloomberg đã tổng hợp ba quan sát quan trọng về dịch bệnh như sau:

Thời gian ủ bệnh và lây nhiễm

Một số tin tức lan truyền trên mạng xã hội, trong đó có việc virus corona có thể có thời gian ủ bệnh dài hơn, đã dấy lên tâm lí lo sợ rằng người nhiễm bệnh có thể đã bị bỏ sót và lây nhiễm cho người khác mà không hay biết.

Hôm 22/2, chính quyền địa phương ở một thành phố khác tại Hồ Bắc đã báo cáo trường hợp cụ ông 70 tuổi dương tính với virus corona nhưng chỉ xuất hiện các triệu chứng 27 ngày sau khi nhiễm bệnh.

"Theo hầu hết nghiên cứu xuất bản đến thời điểm hiện tại, thời gian ủ bệnh trung bình là 5 - 7 ngày, và kéo dài nhất là 14 ngày", ông Du Bin - một thành viên trong nhóm chuyên gia người Trung Quốc đang giám sát việc điều trị dịch virus corona.

"Không có dữ liệu nào cho thấy thời gian ủ bệnh kéo dài quá 14 ngày từng tồn tại", ông Du nhấn mạnh.

Ở một số bệnh nhân, bệnh khởi phát rất chậm, thường họ chỉ sốt nhẹ trước khi tình trạng chuyển biến xấu đi nhanh chóng 10 ngày sau đó, Bloomberg dẫn lời bác sĩ Li Haichao - Phó Giám đốc khoa hô hấp tại Bệnh viện số 1 của Đại học Bắc Kinh, cho biết.

Ông Du nói thêm rằng cho đến nay cũng không có bằng chứng nào cho thấy các bệnh nhân đã hồi phục và sau đó cho kết quả dương tính trở lại có thể lây nhiễm bệnh cho người khác.

Theo Bloomberg, ông Du hiện đang là Giám đốc bộ phận chăm sóc đặc biệt cho khoa nội của Bệnh viện Đại học Y khoa Bắc Kinh.

Hôm 27/2, tờ The Paper của Trung Quốc từng đưa tin về một người đàn ông Vũ Hán sau khi phục hồi và cho kết quả âm tính với virus corona đã qua đời một tuần sau đó vì nhiễm bệnh. Bài báo trên sau đó đã được gỡ khỏi mạng Internet.

Tại sao bệnh nhân trẻ tuổi cũng tử vong?

Dịch virus corona có tỉ lệ tử vong tương đối thấp và chủ yếu gây chết người ở các bệnh nhân lớn tuổi có hệ miễn dịch kém hoặc có sẵn bệnh nền. Trường hợp tử vong của một số bệnh nhân trẻ tuổi lại khó giải thích hơn.

Ba bài học đắt giá đội ngũ y bác sĩ ở Vũ Hán rút ra từ cuộc chiến đẩy lùi dịch virus corona - Ảnh 3.

Các bệnh tiềm ẩn như cao huyết áp và tiểu đường, sử dụng phương pháp thông khí không xâm nhập (non-invasive ventilation) kéo dài và dùng corticosteriod liều cao trong thời gian dài là các yếu tố chính gây ra những trường hợp tử vong ở người trẻ tuổi. (Ảnh: Getty Images)

Theo ông Du, các bệnh tiềm ẩn như cao huyết áp và tiểu đường, sử dụng phương pháp thông khí không xâm nhập (non-invasive ventilation) kéo dài và dùng corticosteriod liều cao trong thời gian dài là các yếu tố chính gây ra những trường hợp tử vong trên. Ông Du không nêu rõ độ tuổi của các bệnh nhân trẻ tuổi này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), methylprednisolone - một loại thuốc corticosteroid ức chế miễn dịch được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc cho các trường hợp nguy kịch, có liên quan đến "thời gian giải phóng virus khỏi vật chủ" trong các nghiên cứu sơ bộ về dịch MERS, SARS và cúm.

Bài học kinh nghiệm

Ông Du cho hay nếu có thể làm lại từ đầu, ông sẽ cố gắng thúc đẩy các cơ quan y tế để nhân viên từ toàn bộ đơn vị hồi sức cấp cứu (ICU) ở Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau tại các bệnh viện được chỉ định để xây dựng các biện pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Ngoài ra, ông cũng sẽ tăng cường sử dụng phương pháp thông khí không xâm nhập đối với tất cả bệnh nhân có biểu hiện suy yếu hô hấp lâm sàng hoặc nồng độ oxy trong máu thấp (hay còn gọi là thiếu oxy máu).

Lên kế hoạch là khía cạnh quan trọng nhất trong công tác phản ứng với dịch virus corona, ông Du nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho rằng các nước cần chuẩn bị trước biện pháp đối phó với từng bệnh nhân có biểu hiện sốt, phát hiện các ca nghi nhiễm, xác nhận họ có mang virus corona thông qua xét nghiệm và cách li các trường hợp có khả năng nhiễm bệnh.

"Bạn cần phải có kế hoạch để không chỉ có đủ không gian điều trị mà còn có đầy đủ vật tư y tế như thiết bị bảo vệ cá nhân cho toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế", ông nói thêm.

Ông Du cho biết đúng là số ca nhiễm mới tại Hồ Bắc đang giảm xuống và ngày càng có nhiều giường bệnh trống, tuy nhiên cũng không thể loại trừ khả năng số ca bệnh sẽ tăng lên một lần nữa.

Theo cập nhật từ Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 17h (giờ Việt Nam) ngày 5/3, ngoài Trung Quốc đã có đến 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona. Số trường hợp xác nhận nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện là 95.453 và số ca tử vong là 3.288.

Sau Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Italy, du thuyền Diamond Princess, Iran và Nhật Bản là các điểm nóng khác về dịch COVID-19.

Đáng chú ý, trong khi số liệu thống kê tại Trung Quốc đại lục, mà đặc biệt là ở các tâm dịch thuộc tỉnh Hồ Bắc, giảm dần trong vài ngày qua, số ca nhiễm và tử vong mới ở một số điểm nóng nêu trên vẫn tăng đột biến.

Yên Khê