|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm sẽ bứt tốc vào cuối năm?

07:06 | 28/07/2021
Chia sẻ
Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19.

Mới đây, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả tăng trưởng tốt do có nhiều lợi thế từ FTA và đảm bảo được sự ổn định trong nuôi trồng và sản xuất khi kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ dịch COVID-19

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 7, dự kiến tốc độ tăng trưởng hiện tại sẽ giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp và biến chủng Delta phát triển trên thế giới.

nửa đầu năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang các thị trường chính, trừ Trung Quốc đều tăng trưởng tốt. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện cho đến nay.

Trong 6 tháng đầu năm nay, trừ thị trường Trung Quốc, XK tôm Việt Nam sang các thị trường và khối thị trường chính như CPTPP, Mỹ, EU đều tăng 2 con số từ 14% đến 36%. 

Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm tăng trưởng kinh tế cộng với ảnh hưởng của COVID-19 nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng nhẹ 3% đến 4%. 

Đáng chú ý, 2 thị trường Australia và Nga, mặc dù không phải là những thị trường nhập khẩu lớn nhưng lại ghi nhận các mức tăng trưởng ấn tượng 80% đến 90%. Trung Quốc là thị trường NK tôm chính duy nhất của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm 20%.

VASEP cho hay hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang là mối lo của tất cả các nhà máy chế biến, XK ở ĐBSCL. 

Mặc dù đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó rất kỹ càng nhưng cũng không tránh khỏi hoang mang. 

Trong khi đó từ khâu nuôi trồng đến chế biến và XK đều đang phải gấp rút chạy cho kịp các đơn hàng. Doanh nghiệp chế biến tôm mong mỏi và trông chờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ để được sớm nhất tiếp cận nguồn vaccine cho người lao động. 

Nếu chỉ cần một khâu bị đứt gãy thì thiệt hại sẽ kéo theo chuỗi giá trị từ doanh nghiệp - người nông dân - công nhân đều bị sụp đổ.

H.Mĩ