Xuất khẩu tôm sang Anh liên tục tăng trưởng dương
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tính tới 15/9 đạt 161,2 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Anh cũng được coi là một trong những thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam hoạt động tốt và dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19 tính từ đầu năm đến nay.
Trừ tháng 1, giá trị xuất khẩu giảm, trong các tháng còn lại kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Anh đều đạt mức tăng trưởng dương. Tháng 6 năm nay, xuất khẩu tôm sang Anh đạt mức tăng trưởng cao nhất 54% so với tháng 6 năm ngoái.
Năm 2019, khi còn thuộc khối EU, Anh là thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối EU, chiếm 29% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang toàn khối EU và chiếm 6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Sau sự kiện Brexit, từ tháng 2 trở đi, Anh trở thành thị trường đơn lẻ, đứng thứ 6 về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm 6,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Trong 5 năm trở lại đây, Anh là thị trường đáng chú ý của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
Từ năm 2015 đến 2019, Anh luôn ở vị trí thứ 1 và 2 về nhập khẩu tôm Việt Nam trong khối EU. Trong giai đoạn từ 2015-2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục, từ gần 130 triệu USD trong năm 2015 lên 202,5 triệu USD năm 2019, tăng 56%.
Anh chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam những sản phẩm tôm như tôm chân trắng PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng tươi đông lạnh, tôm chân trắng xiên que tươi đông lạnh, tôm chân trắng PDTO đông lạnh, tôm chân trắng lặt đầu (HLSO) tươi đông lạnh,…
Anh có xu hướng đẩy mạnh nhập khẩu tôm nước ấm từ Việt Nam, Ấn Độ… thay thế cho tôm nước lạnh (nhập khẩu từ Greenland và Đông Canada) vì hạn ngạch khai thác giảm, giá tăng.
Trong phân khúc bán lẻ tại Anh, tôm nước ấm phổ biến nhất, chiếm 61% tổng doanh số bán tôm (34% trong số đó được bán trong lĩnh vực đông lạnh). Tôm nước lạnh chiếm 37% (trong đó 39% được bán trong lĩnh vực đông lạnh).
Tôm các loại ở Anh được bán qua kênh nhà hàng dịch vụ nhanh (chiếm 45% tổng doanh số), tiếp đó 26% được bán trong các nhà hàng dịch vụ, 13% được bán tại các quán rượu (pub), 11% phục vụ du lịch và giải trí và 5% phục vụ công sở, trường đại học.
Người Anh ngày càng ưa chuộng tôm hấp tẩm gia vị ướp lạnh hoặc tôm nguyên liệu tẩm gia vị đông lạnh, tôm sushi. Những người bận rộn thường thích tôm hấp, lột vỏ, chế biến dạng giá trị gia tăng.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Anh, chiếm 24% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Anh, tiếp đó là Ấn Độ, Thái Lan.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh từ nay đến cuối năm vẫn được hưởng các ưu đãi thuế giống như xuất khẩu sang các thị trường khác trong khối EU. Mặt hàng tôm chế biến xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường Anh đang có lợi thế cao hơn về giá bán và chất lượng so với hàng của Ấn Độ, Bangladesh.
Anh là thị trường có mức sống cao nên người tiêu dùng nước này không chỉ lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, tiện lợi mà còn chú ý đến tiêu chí bền vững môi trường và xã hội của sản phẩm.
VASEP cho rằng để thành công trên thị trường Anh, doanh nghiệp cần cung cấp sản phẩm có giá tốt, khả năng đáp ứng nguồn hàng đều đặn và khả năng cải tiến phát triển sản phẩm để bắt kịp thị hiếu của người dân.