Xuất khẩu tôm tăng 10% trong 9 tháng đầu năm
Xuất khẩu tôm chân trắng đạt trên 1,9 tỉ USD, tăng 14% và chiếm 71%; xuất khẩu tôm sú đạt 424 triệu USD, giảm 15% và chiếm 16%.
Trong 4 tháng gần đây, xuất khẩu tôm chân trắng càng có xu hướng tăng mạnh hơn so với những tháng trước, tăng khoảng 14-15% so với cùng kì, tập trung tăng mạnh các sản phẩm tôm chân trắng chế biến mã HS16, tăng 22% (tôm chân trắng HS16 chiếm tới 47,5% tổng xuất khẩu tôm chân trắng).
Từ quí III, các doanh nghiệp tôm tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Xuất khẩu sang các thị trường khác như Anh, Canada vẫn duy trì tăng trưởng khả quan từ đầu năm đến nay.
Duy có thị trường EU bị sụt giảm liên tiếp qua 2 quí: giảm 4% trong quí I và tiếp tục giảm sâu gần 10% trong quí II.
Tuy nhiên, xuất khẩu bắt đầu phục hồi 2% từ tháng 7 và tăng mạnh 16% trong tháng 8 cho thấy thuế nhập khẩu tôm đông lạnh vào EU giảm về 0% (theo hiệp định EVFTA) đã tác động tích cực đến xuất khẩu sang thị trường này.
VASEP cho biết đối với thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ, đồng thời Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.
Đối với thị trường EU, mặc dù COVID-19 làm giảm nhu cầu và gây khó khăn cho giao thương thủy sản nhưng tôm chân trắng cũng đang có chiều hướng tăng tiêu thụ trên thị trường này.
Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong ba tháng cuối năm tiếp tục tăng 9% đạt 1,1 tỉ USD.