|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm hùm gặp khó

15:44 | 08/09/2019
Chia sẻ
Từ cuối năm 2018, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi trong chính sách biên mậu đối với nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản qua cặp chợ biên giới Việt - Trung.

Do chưa nắm rõ các qui định đang được Hải quan Trung Quốc áp dụng nên hiện nay, hàng trăm tấn hải sản của Khánh Hòa, trong đó chủ yếu là tôm hùm đang dồn ứ tại cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

Hơn 129 tấn tôm chưa xuất khẩu được

Những người trực tiếp nuôi tôm hùm tại Vạn Ninh, Cam Ranh… vẫn biết sản phẩm mình nuôi chủ yếu được tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc. 

Hiện nay, thương lái, doanh nghiệp (DN) vẫn thu mua tôm chở ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất sang Trung Quốc, nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, giá tôm giảm rất sâu. 

“Tôm hùm xanh bị yếu, mới bắt vô bán cho đầu nậu cũng có giá 480.000 đồng/kg mà tôm sống chỉ cao hơn 100.000 đồng/kg. Với giá tôm hiện tại, mỗi lồng nuôi 400 - 500 con, sau khi trừ chi phí, số tôm hao hụt, người nuôi từ hòa đến lỗ vốn. 

Người nuôi chỉ biết bán cho thương lái, họ hô giá bao nhiêu thì biết bấy nhiêu chứ thị trường như thế nào thì mình không nắm rõ”, ông Nguyễn Thành Quang - người nuôi tôm ở phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) cho hay.

Xuất khẩu tôm hùm gặp khó - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đang gặp khó.

Tại huyện Vạn Ninh, nhiều gia đình chưa kịp vui vì đã khôi phục được nghề nuôi tôm hùm sau cơn bão số 12 cuối năm 2017 thì hiện nay lại đối diện với khó khăn khác là giá tôm giảm sâu. 

Cụ thể, giá tôm hùm sao loại 1 hiện chỉ còn 1 - 1,1 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh loại 1 dao động quanh mức 570.000 - 580.000 đồng/kg.

Qua trao đổi với các cơ sở thu mua tôm hùm tại Cam Ranh, Vạn Ninh, được biết, giá tôm hùm bắt đầu giảm từ cuối năm 2018. Khi ấy, việc xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, trong đó có tôm hùm của Khánh Hòa theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. 

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm hùm rớt giá như thời gian qua. “Từ cuối năm 2018, việc xuất khẩu thủy sản qua đường tiểu ngạch rất khó khăn, họ kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và quy chuẩn hàng hóa; truy xuất hồ sơ DN… 

Trong khi đó, người nuôi, DN xuất khẩu chưa chuẩn bị, số lô hàng bị trả về rất nhiều nên gây thiệt hại rất lớn”, ông Nguyễn Duy Anh - đại diện một cơ sở chuyên thu mua, xuất khẩu tôm hùm tại TP. Cam Ranh chia sẻ.

Được biết, từ ngày 21-5, phía Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chứng thư kiểm dịch, quy cách đóng gói sản phẩm và nhãn mác; có 6 tấn tôm hùm của Khánh Hòa bị trả về do không có các hồ sơ, thủ tục trên. 

Đến ngày 27-5, Trung Quốc siết chặt thêm điều kiện truy xuất hồ sơ DN, chỉ những DN được cấp mã nhập khẩu vào Trung Quốc mới được phép xuất hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. 

Ngoài ra, việc mua bán, nhập khẩu của các hộ dân vùng biên giới phía Trung Quốc cũng được cơ quan chức năng nước này giám sát, quản lý chặt chẽ. Tính đến ngày 26-8, tại khu vực cửa khẩu Móng Cái vẫn còn tồn đến 129,21 tấn tôm của Khánh Hòa chưa xuất khẩu được.

Người nuôi, doanh nghiệp cần lưu ý

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm lồng là thế mạnh của Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có gần 50.000 lồng nuôi tôm hùm. 

Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc thông qua con đường xuất khẩu tiểu ngạch. Không riêng gì tôm hùm, các mặt hàng khác như: ốc hương, cá mú, cá chẽm… cũng gặp khó khăn tương tự khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương hướng dẫn người nuôi cần tuân thủ đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý; áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. 

Hiện nay, Chi cục Thủy sản đang hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để liên kết với DN xuất khẩu nhằm đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.

Một vấn đề DN xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc cần lưu ý, hiện nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép xuất khẩu 137 loại thủy sản vào thị trường này qua cặp chợ biên giới. 

Đối với trọng lượng ghi trên nhãn mác, DN cần chụp ảnh trước và sau khi đưa hàng vào cấp đông để làm bằng chứng nhằm thông quan nhanh chóng. 

Về thủ tục, sản phẩm xuất khẩu phải là của DN đã được cấp mã DN xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (do Cục Quản lý chất lượng hàng nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp) và phải có chứng thư kiểm dịch của các chi nhánh Cục Quản lý chất lượng hàng nông lâm sản và thủy sản cấp.

Đối với hải sản đóng gói, bao bì cần chắc chắn, đồng nhất 1 loại; nhãn in trên bao bì phải thống nhất tại 1 vị trí đối với 1 loại hàng hóa, thể hiện đầy đủ tên, các thông số khác của hàng hóa, riêng thông số ngày sản xuất và số lô hàng được phép đóng dấu phải rõ nét, tuyệt đối không được dán nhãn mác dưới mọi hình thức. 

Đối với hải sản tươi sống phải bảo quản, đựng trong khay nhựa có in nhãn chìm trên tấm nhựa của khay.

Đã có không ít trường hợp thủy sản Khánh Hòa bị trả về gây thiệt hại lớn đối với DN xuất khẩu và người nuôi. Do đó, người nuôi và DN cần lưu ý thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của thị trường nhập khẩu. 

Riêng đối với DN xuất khẩu thủy sản cần lưu ý chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, thủ tục để tránh việc mang hàng ra biên giới nhưng thiếu giấy tờ dẫn đến không xuất khẩu được.

Hải Lăng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.