|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm đón tín hiệu tích cực vào cuối năm

07:00 | 27/11/2018
Chia sẻ
Sau nhiều tháng liên tiếp chững lại, xuất khẩu tôm trong quí IV năm nay được dự báo sẽ tăng khoảng 2% so với cùng kì năm ngoái, đạt khoảng 1,14 tỉ USD.

Xuất khẩu tôm chưa có dấu hiệu phục hồi

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), kể từ tháng 4 đến tháng 10, xuất khẩu tôm Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi so với cùng kì năm 2017.

xuat khau tom don tin hieu tich cuc vao cuoi nam
Xuất khẩu tôm đón tín hiệu tích cực vào cuối năm

Tháng 10, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 17,3% so với cùng kì năm ngoái đạt hơn 348 triệu USD. 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 2,97 tỉ USD, giảm 5,8%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kì năm ngoái là do giá tôm giảm, nhu cầu nhập khẩu thấp từ các thị trường chính.

Giá tôm trong nước những tháng đầu năm nay bị tác động bởi thị trường thế giới với thời tiết lạnh nhiều ở các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết, lượng tôm tiêu thụ giảm đáng kể, ;hàng tồn kho lớn, kéo theo lượng hàng tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cao.

Bên cạnh đó, do giá tôm giảm nên khách hàng thường có tâm lý đợi giá tôm “chạm đáy” mới mua vào, VASEP cho biết.

Giá nguyên liệu giảm, người nuôi lo giá sẽ tiếp tục xuống thấp hơn nữa và lỗ, dẫn đến tình trạng thu hoạch sớm.

“Trước đây, thường người nuôi sẽ thu hoạch tôm khi đạt kích thước 30 - 50 con/kg nhưng đầu năm 2018 với tâm lí bất ổn về giá nên phần lớn người nuôi đã thu hoạch đồng loạt sớm khi tôm nuôi mới đạt khoảng 70 - 100 con/kg”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú.

Với lượng tôm có kích cỡ nhỏ, thu hoạch đồng loạt làm cho nguồn cung tôm cùng một kích cỡ là rất lớn, trong khi năng suất chế biến ở các nhà máy hạn chế nên nguyên liệu dư thừa. Điều này tạo áp lực về cung vượt cầu khiến giá tôm trong giai đoạn tháng 4 - đầu tháng 5 giảm hơn 20% và gần chạm mốc giảm 30%.

Thông tin của VASEP cho biết, tôm chân trắng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm gần 69%, tôm sú 22,9% và tôm biển 8,3%.

10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng giảm 1%, trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 7% và tôm biển giảm 32% cùng kì năm ngoái

Những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ

Theo VASEP, Mỹ - thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam, sau khi giảm liên tục từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã phục hồi tăng trưởng trong ba tháng 8, 9 và 10 năm nay. Mặc dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay đạt 540,4 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kì năm 2017.

Kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 - POR12 khả quan hơn nhiều so với những lần xem xét trước đó đã giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam yên tâm hơn trong thời gian tới. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ phục vụ cho các dịp lễ Tết cuối năm.

Bên cạnh đó, VASEP nhận định, chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này do Mỹ áp thuế cao với các mặt hàng của Trung Quốc.

Trong khi đó, tại EU, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24,4%, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng mạnh vào hai quí đầu năm nay trong bối cảnh xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản sụt giảm.

Tuy nhiên, bước sang quí III, xuất khẩu tôm sang EU bắt đầu sụt giảm. Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 10 giảm mạnh 30,6% với giá trị xuất khẩu sang ba thị trường lớn nhất trong khối đều giảm.

Thị trường mong chờ kết quả tốt trong quý IV

Theo VASEP, giá tôm đã bắt đầu phục hồi, nhu cầu có xu hướng gia tăng vào cuối năm, hơn nữa xuất khẩu sang thị trường Mỹ có tín hiệu tích cực nhờ thuế chống bán phá giá tôm được cải thiện.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm trong quí IV năm nay tăng khoảng 2% so với cùng kì năm ngoái, đạt khoảng 1,14 tỉ USD. Như vậy xuất khẩu tôm đến cuối năm 2018 khả năng cán đích gần 3,8 tỉ USD, giảm 2% so với năm 2017.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, cho hay bước vào vụ hè thu năm 2018, người nuôi hạn chế nuôi vì giá nguyên liệu thấp và chi phí sản xuất tăng trong nửa đầu năm 2018 khiến nhiều người thua lỗ. Mặc dù vậy, giá tôm thế giới ổn định và tăng từ cuối tháng 7 khiến người nuôi tôm tăng cường thả nuôi cho vụ đông.

Theo ông Quang, sản lượng thu hoạch tôm dự đoán vẫn thấp hơn nhu cầu của các nhà chế biến nên về cuối năm giá tôm tăng vì tình trạng cung thấp hơn cầu.

Đại diện từ Tập đoàn Minh Phú nói thêm các thị trường nhập khẩu tôm rất ưa chuộng và chú trọng màu sắc tôm. Họ cần tôm khi buộc lên có màu đỏ, trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng, khó đạt yêu cầu của khách hàng. Đây là hạn chế của sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam so với tôm nuôi tại các quốc gia khác.

Để khắc phục các nhược điểm này, ông Quang cho biết, người dân nên sử dụng nước biển nuôi tôm có độ mặt từ 25% trở lên sẽ tạo lợi thế màu sắc đỏ đẹp, tôm nuôi có hương vị ngon và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng.

Xem thêm

Đức Quỳnh