|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thiệt hại nặng nề bởi virus corona

17:30 | 28/03/2020
Chia sẻ
Số lượng đơn đặt hàng và giá trị xuất khẩu của các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang sụt giảm mạnh do tác động của đại dịch virus corona.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thiệt hại nặng nề bởi virus corona  - Ảnh 1.

Nguồn: Seafood Source

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), số lượng đơn hàng của các nhà xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam giảm 30 - 50%. 

Sự bùng phát COVID-19 đã buộc khách hàng ở các quốc gia bị ảnh hưởng khác phải hủy hoặc hoãn đơn đặt hàng từ Việt Nam và các nhà sản xuất địa phương cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện đơn đặt hàng do thiếu nguyên liệu tại thị trường nội địa. 

Hầu hết công ty được khảo sát, ngoại trừ các nhà sản xuất cá tra lớn, cho biết họ thiếu nguyên liệu để chế biến và ưu tiên các đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ.

Thị trường xuất khẩu thu hẹp

Vì tác động tiêu cực từ COVID-19, hoạt động sản xuất và kinh doanh của các công ty thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là trong hai tuần đầu tiên của tháng 3.

Các thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam đã đóng cửa hàng loạt vì virus corona lan rộng trên toàn cầu, đầu tiên là Trung Quốc khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ tháng 1.

Bắt đầu từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, châu Âu ngừng nhập khẩu và đến giữa tháng 3, các nước ở Bắc Mỹ, châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ cũng quyết định hủy hoặc hoãn đơn đặt hàng. Tồn kho tăng do các công ty không thể xuất khẩu theo kế hoạch.

35 - 50% đơn đặt hàng tôm từ Mỹ và EU đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại vì không các đối tác không bán được hàng mặc dù phải giảm tới 30% giá. Do đó, các hệ thống kho đông lạnh của cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu hiện phải hoạt động hết công suất.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Minh Phú, nhà chế biến và xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, vào ngày 24/3 đã xác nhận với SeafoodSource rằng kho dự trữ của công ty ngày càng tăng khi phải chật vật để duy trì xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm.

Các công ty chế biến cũng đang phải chịu những mối đe dọa tương tự. Khoảng 600 tấn sản phẩm cá ngừ tại tỉnh Bình Định không thể xuất khẩu sang EU. Ngoài sự gián đoạn trong xuất khẩu, theo VASEP, các công ty này còn thiếu khoảng một nửa nguồn cung nguyên liệu chế biến.

Việc kí kết hợp đồng xuất khẩu mới hiện nay rất khó khăn, đặc biệt là với những khách hàng từ Mỹ, EU và Nhật Bản. Một lượng lớn các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ chưa có bất kì đơn đặt hàng mới nào trong quí II và III năm nay.

Ngành cá tra chịu thiệt hại nặng nhất

VASEP cho biết ngành cá tra bị ảnh hưởng nặng nề nhất với xuất khẩu giảm đáng kể trong hai tháng đầu năm 2020. 

Giá trị xuất khẩu cá tra đạt 210,3 triệu USD tính đến tháng 2, thấp hơn 32,1% so với năm trước. Thương mại với Trung Quốc chịu tổn thất lớn nhất với mức giảm 52% xuống còn 28,4 triệu USD. 

Xuất khẩu sang EU giảm 40% xuống 26 triệu USD và xuất khẩu sang Mỹ giảm 27% xuống 38,6 triệu USD trong hai tháng đầu năm.

Ngoài ra, giá cá tra giảm mạnh do nhu cầu giảm mạnh. Giá xuất tại trang trại ở tỉnh Đồng Tháp giảm mạnh xuống khoảng 18.000 đồng/kg trong tuần kết thúc vào ngày 26/3, thấp hơn nhiều so với hơn 30.000 đồng/kg trong cùng kì năm ngoái.

Đáng ngạc nhiên, xuất khẩu tôm trong hai tháng đầu năm tăng 2,6% lên 383 triệu USD, chủ yếu do sự gia tăng từ Nhật Bản. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng 16% trong giai đoạn này, bù cho sự sụt giảm ở các thị trường trọng điểm khác như Trung Quốc và EU với giá trị xuất khẩu lần lượt giảm 37% và 15%.

Tổng cộng, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam giảm 10,7% so với hai tháng đầu năm 2019. Giá trị xuất khẩu sang các thị trường chính gồm Nhật Bản với 184,7 triệu USD, tăng 2,5%; Mỹ với 179,5 triệu USD, tăng 0,9%; và EU với 143,7 triệu USD, giảm 10,9%.

Các khoản hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản

Mặc dù tổng xuất khẩu sụt giảm, VASEP nhấn mạnh ngành thủy sản cần chuẩn bị cho sự phục hồi nhu cầu toàn cầu một khi đại dịch được kiểm soát, điều này có thể xảy ra ngay sau tháng 7 đối với tôm, đồng thời kêu gọi nông dân hiện do dự việc thả giống không hoảng loạn.

VASEP đã đệ trình kết quả khảo sát và dữ liệu thương mại mới nhất lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có khả năng sẽ tạo thành cơ sở của gói hỗ trợ tài chính hiện đang được chính phủ cân nhắc. 

Vào ngày 4/3, chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan cung cấp gói tín dụng 250 nghìn tỉ đồng và một chương trình miễn giảm thuế khác với trị giá 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

VASEP cho biết hầu hết các công ty thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với những căng thẳng tài chính lớn do giá bán thấp hơn, lãi suất cao, chi phí vận chuyển, lưu trữ và các loại phí khác đều tăng. 

Trong đề xuất trình lên Bộ Nông nghiệp vào ngày 24/3, VASEP yêu cầu chính phủ giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty thủy sản, giảm phí đường bộ và giảm giá điện cho các nhà máy chế biến và đơn vị bảo quản đông lạnh. 

Hiệp hội cũng khuyến khích các ngân hàng cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, kéo dài thời gian thanh toán nợ và giảm phí ngân hàng.

Linh Giang

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.