Xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 8
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 cao hơn 54%. Mức tăng trưởng này không thể hiện xu hướng lạc quan vì tháng 8 năm ngoái là tháng đỉnh dịch COVID-19 ở khu vực ĐBSCL, sản xuất thủy sản bị gián đoạn, xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất năm.
Xuất khẩu tôm tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD hồi tháng 5, tới tháng 8, xuất khẩu tôm hạ xuống còn 356 triệu USD, cao hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 285 triệu USD, tăng 32%, xuất khẩu tôm sú đạt 47 triệu USD, giảm gần 7%. Xuất khẩu tôm hùm tiếp tục đột phá với mức tăng trưởng 163% trong tháng 8 và luỹ kế 8 tháng tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đã chạm mốc 3 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 76% với 2,2 tỷ USD, tăng 20%, tôm sú có doanh thu 411 triệu USD, tăng gần 10%.
Sản xuất tôm nguyên liệu khó khăn vì các chi phí đầu vào cao và thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu của các thị trường chính chững lại khi lượng tồn kho tăng.
Các yếu tố này cùng với tác động của lạm phát khiến cho xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc – 2 thị trường lớn sụt giảm từ tháng 7.
Trong tháng 8, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 33%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 13%. Với tốc độ tuột dốc nhanh sang Mỹ, luỹ kế xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm sang thị trường này đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 8 vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định với kim ngạch trên 187 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhẹ so với tháng 7. Mặc dù giá xuất khẩu trung bình cá tra sang các thị trường đã giảm một chút so với những tháng trước, nhưng cá tra vẫn là sự lựa chọn của nhiều thị trường trong bối cảnh lạm phát kỷ lục ở nhiều nước.
Trong tháng 8, xuất khẩu cá tra sang tất cả các thị trường đều giữ được tăng trưởng 2-3 con số. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trừ thị trường Nga, xuất khẩu cá tra bị giảm 12% do căng thẳng địa chính trị làm gián đoạn xuất khẩu trong tháng 3 và tháng 4, tất cả thị trường khác đều ghi nhận mức tăng trưởng 2-3 con số trong nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Trong đó, kim ngạch cá tra sang Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ đạt gần 500 triệu USD, chiếm 29%; xuất khẩu sang Mỹ chiếm 25% với 428 triệu USD, tăng 90%.
Sau khi đạt mức cao trên 100 triệu USD vào tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu cá ngừ giảm dần trong các tháng tiếp theo. Tới tháng 8, xuất khẩu cá ngừ đạt 85 triệu USD, dù vẫn cao hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ tương đương với doanh số trong tháng 7. Lũy kế tới hết tháng 8, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 734 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8, chỉ có nhuyễn thể có vỏ có doanh số tăng trưởng âm so với cùng kỳ, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái vì thời điểm này năm ngoái, nhuyễn thể có vỏ (chủ yếu là ngao) ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng năm nay biến động thị trường đã tác động đến xuất khẩu sản phẩm thuy sản này.
Tại Hội thảo nhu cầu và xu hướng thị trường thủy sản hậu COVID-19, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết nhu cầu thủy sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối 2022.
Nguyên nhân là đồng USD tăng giá làm giảm nhu cầu ở nhiều thị trường; trong đó có EU, Nhật Bản. Cùng với đó, lượng tồn kho tăng khiến nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá nhập khẩu.
Tình hình lạm phát gia tăng làm giảm chi tiêu cho thủy sản, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm.
Trước những xu hướng này của thị trường thế giới, bà Lê Hằng cho rằng trường hợp xấu nhất, giá trị xuất khẩu nửa cuối năm nay của Việt Nam sẽ tương đương với nửa cuối năm trước, ở mức 4,8-5 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm có kim ngạch khoảng 10,5-10,7 tỷ USD.