|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương trong nửa đầu tháng 7 mặc dù dịch COVID-19 bùng phát phía Nam

14:16 | 28/07/2021
Chia sẻ
Xuất khẩu thủy sản nửa đầu tháng 7 tăng trưởng dương dù 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 413 triệu USD, tăng 7% so với nửa đầu tháng 6.

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 413 triệu USD, tăng 7% so với nửa đầu tháng 6 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Cộng dồn đến ngày 15/7, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ tháng 6 và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương dù 19 tỉnh phía Nam 'đóng cửa' - Ảnh 1.

Giá trị xuất khẩu thủy sản nửa đầu các tháng (Đơn vị: triệu USD) (Biểu đồ: Hoàng Anh)

 Xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng mặc dù 19 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo "3 tại chỗ" và lưu thông, vận chuyển.

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết dịch COVID-19 ở tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bùng phát quá nhanh khiến hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không kịp trở tay.

Để duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp bố trí chỗ ăn nghỉ tại nhà máy, cung cấp đồ dùng thiết yếu và phụ cấp thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày cho công nhân nhưng vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do chậm phủ sóng vắc xin ngừa COVID-19.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không mạnh tài chính, khó "3 tại chỗ" buộc phải giảm công suất chế biến 30 – 90%, thậm chí tạm dừng sản xuất.

Trong khi công suất chế biến, lượng hàng mua - xuất đều giảm thì chi phí chi phí điện trên mỗi kg sản phẩm, chi phí bao bì, phí xét nghiệm cho công nhân, tài xế vận chuyển hàng, chi phí logistics, cước vận tải biển tăng từ 5 - 7 lần… Phí chồng phí tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp thủy sản.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết các tỉnh miền Tây vẫn yêu cầu tài xế chở hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, trái với công văn của Bộ Y tế gửi các tỉnh.

Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu các chốt kiểm dịch không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe).

Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi chưa có trong danh sách hàng hóa thiết yếu của nhiều tỉnh, khiến thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu khó về nhà máy, phân bố cho hộ chăn nuôi.

Hoàng Anh