|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng gấp gần 3 lần trong tháng 1

10:44 | 23/02/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hong Kong tăng đột phá nhất với mức tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1, Trung Quốc và Hong Kong  trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản.

Riêng tôm và cá tra, Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng 1 đầu năm. Xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.  

Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm ngoái, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, tuy nhiên nếu so sánh từ mặt bằng thông thường thì doanh số tháng 1/2024 vẫn cao hơn khoảng 24-25%.  

Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái như tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực BT tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%.

 

Dù có tín hiệu tích cực ngay từ tháng đầu năm, VASEP cho biết đa số doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Một số vấn đề còn tồn tại như lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador.

Có một số doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.

Ngoài ra, lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Mỹ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu.

Đối với ngành cá tra, sản xuất và thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2 bắt đầu khởi sắc. Nhờ vậy, giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25-26.000 đ/kg năm 2023 lên 28-29.000/kg đầu năm nay.

Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua. Do vậy, các doanh nghiệp cá tra cũng hy vọng xuất khẩu năm nay tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được con số lạc quan là 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.

VASEP nhận định ngành hải sản, thủy sản vẫn đang phải chịu tác động của nhiều biến số khó lượng như chiến tranh, xung đột ở Nga – Ukraine, căng thẳng Biển Đỏ, cước vận tải tăng vọt. Hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhiều loài cá biển gần như bị đình trệ xuất khẩu vì vấn đề thẻ vàng IUU cùng với những khó khăn về nguyên liệu thiếu hụt.

"Nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu được dự đoán sẽ nhích dần lên, hy vọng tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, thẻ vàng IUU được tháo gỡ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nhận định xuất khẩu có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và kết quả cả năm sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023, đạt khoảng 9,5 tỷ USD", VASEP cho hay.   

Anh Đào

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.