|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản năm 2016 ước tăng 6% dù gặp nhiều bất lợi

19:00 | 28/12/2016
Chia sẻ
Trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ thời tiết bất lợi, xâm nhập mặn, khan hiếm nguyên liệu và dịch bệnh tái xuất hiện nhưng sản lượng thủy sản năm 2016 ước đạt 3,6 nghìn tấn, với kim ngạch xuất khẩu thu về gần 7 tỷ USD.

Sản lượng thủy sản ước đạt 3,6 nghìn tấn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ước tính, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt hơn 3,6 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản lượng cá tra ước tăng 3% so với cùng kỳ năm trước lên 1,19 nghìn tấn. Đối với sản lượng tại các vùng sản xuất cá tra trong năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐB SCL) chiếm tới 99% tổng sản lượng cả nước với 1,18 nghìn tấn.

Năm nay, dù tình hình hạn mặn và dịch bệnh làm ảnh hưởng nhiều tới nuôi tôm nước lợ trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mưa nhiều trong những tháng cuối năm khiến độ mặn giảm, cùng với việc kiểm soát dịch bệnh nên sản lượng thu hoạch tôm tăng vào những tháng cuối năm.

Theo đó, Bộ dự báo sản lượng tôm nước lợ trong năm nay có thể tăng hơn 3% lên 609 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng tôm sú ước đạt 251,7 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng chân trắng ước đạt 357,6 nghìn tấn nhờ có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường và diện tích mở rộng.

Xuất khẩu thủy sản tăng

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) dự báo trong năm nay, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 7 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu của hầu hết sản phẩm đều tăng.

Bộ NN&PTNT ước tính, xuất khẩu thủy sản trong tháng 12 năm nay đạt 589 triệu USD, giúp kim ngạch cả năm tăng 6% so với cùng kỳ năm trước lên khoảng 7 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam trong năm nay vẫn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc khi chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang một số thị trường khác cũng tăng mạnh, như Hà Lan (19%), Thái Lan (15%)...

Giá cá tra giảm trong khi giá tôm tăng

Theo Bộ NN&PTNT, thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐB SCL trong tháng cuối năm có xu hướng chậm lại về sức mua và giá cả cũng giảm nhẹ sau một thời gian duy trì ở ngưỡng cao. Hiện tại, giá cá tra loại 750g - 950g/con dao động trọng khoảng từ 21.000 đồng - 22.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng so với tháng trước.

Bộ nhận định, giá cá tra nguyên liệu năm qua biến động thất thường với biên độ lớn, giảm từ mức giá 21.000 đồng/kg đầu năm xuống còn 18.000 đồng/kg (tháng 8/2016), khiến doanh nghiệp lẫn người nuôi tiếp tục thua lỗ nặng. Cho đến khi giá cá tăng lên xấp xỉ 23.000 đồng/kg thì lượng cá tra nguyên liệu dự trữ trong dân lại gần như cạn kiệt.

Mặc dù sản lượng cá tra tăng song năm 2016 được Bộ NN&PTNT đánh giá là năm có nhiều khó khăn với người nuôi cá tra vùng ĐB SCL cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, bởi giá cá tra nguyên liệu và thị trường tiêu thụ chưa ổn định.

Ngược lại, giá tôm nguyên liệu trong tháng này giữ ở mức cao do nguồn cung ít trong khi nhu cầu thu mua của các nhà máy chế biến xuất khẩu tăng.

Trong đó, giá tôm sú nguyên liệu tại Bạc Liêu loại 30 con/kg hiện ở mức 218.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 40 con/kg tăng lên 180.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá tôm thẻ cỡ 50 con/kg tăng 4.000 đồng so với thời điểm cuối tháng trước lên 138.000 đồng/kg; tôm thẻ cỡ 60 con/kg tăng 3.000 đồng lên 133.000 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá tôm sú loại 30 con/kg duy trì ổn định ở mức 195.000 đồng/kg.

Bộ NN&PTNT nhận định, nguồn hàng khan hiếm trong khi nhu cầu xuất khẩu vào dịp cuối năm tăng đã đẩy giá tôm nguyên liệu lên mức khá cao.

Hồng Vũ

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.