|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản 2021 dự kiến tăng trưởng 5%

17:14 | 22/12/2021
Chia sẻ
VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản tháng 12 vẫn tiếp đà hồi phục và sẽ đạt trên 800 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2021 về đích với mức trên 8,8 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng đầu năm đạt  khoảng 8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản tháng 12 vẫn tiếp đà hồi phục và sẽ đạt trên 800 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2021 về đích với mức trên 8,8 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2020.

Trong 11 tháng đầu năm, hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra (chiếm khoảng một nửa tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu) tăng nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt lần lượt 3,6 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.

Khối CPTPP đang là thị trường tiêu thụ nhiều thủy sản Việt Nam nhất với tỷ trong chiếm 25%. Mặc dù vậy, xuất khẩu thủy sản sang khối này giảm nhẹ 1% trong 11 tháng đầu năm.

Xuất khẩu thủy sản 2021 dự kiến tăng trưởng 5% - Ảnh 1.

Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ lực trong 11 tháng đầu năm. Số liệu: VASEP, biểu đồ: H.Mĩ

Thị trường Mỹ đứng thứ 2 với tỷ trong chiếm 24% và là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 11 tháng qua. Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận mức giảm tới 21% so với cùng kỳ năm ngoái, xếp thứ 3 trong top các thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam.

Trong năm nay, ngành thủy sản đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ. Đặc biệt trong quý III, nhiều nhà máy phải hoạt động "3 tại chỗ" khiến chi phí bị đội lên. 

Đồng thời các quy định kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương phía Nam không thống nhất gây nên gián đoạn trong chuỗi cung ứng. 

Do đó, có thời điểm công suất chế biến thủy sản ở các nhà máy phía Nam giảm tới 60 - 70%. Bên cạnh đó, nhiều vùng nguyên liệu thủy sản, đặc biệt là cá tra không thể tiêu thụ, dẫn đến tình trạng cá quá lứa dưới ao nhiều và thời gian thu hoạch bị trễ. 

Sang năm 2022, ngành cá tra được dự báo sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu. Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) cả nước hiện có 80/96 cơ sở sản xuất giống và 2.289 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động. Sản lượng ước đạt khoảng 25 tỷ con cá tra bột và 3,1 tỷ con cá tra giống, chỉ bằng 62% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tổng cục Thuỷ sản diện tích thả nuôi cá tra năm 2021 ước đạt 5.000 ha, không biến động nhiều so với năm 2020, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn. Đáng chú ý, giai đoạn giãn cách xã hội vào tháng 7-9, diện tích thả nuôi cá tra giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Cẩn dự báo trong quý I/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

H.Mĩ