|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu phân bón nhiều lần bị kêu dừng nhưng vẫn khó đi vào thực tế

21:28 | 16/07/2021
Chia sẻ
Việc giá phân bón tại Việt Nam thời gian gần đây liên tục tăng chủ yếu do tác động từ thị trường phân bón thế giới. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động xuất khẩu phân bón càng tăng sẽ càng khiến giá thành trong nước khó hạ nhiệt.

Xuất khẩu phân bón vẫn tăng cao giữa lúc sốt giá trong nước

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải Quan, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón đạt hơn 663.000 tấn, tương đương giá trị 231 triệu USD, tăng 44% về lượng và tăng 71% về trị giá.

Giá phân bón xuất khẩu trong tháng 6 tăng 50% so với tháng 5 và tăng gần gấp đôi so với tháng 6/2020, đạt trung bình 517 USD/tấn. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu phân bón đạt 354 USD/tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Với mức giá xuất khẩu tăng hấp dẫn, cùng với số lượng bán đi nước ngoài không ngừng tăng như hiện nay thì nhiều khả năng đã làm nguồn cung trở nên thiếu hụt, từ đó giá phân bón trong nước theo đà tăng tới 50 - 60% kể từ đầu năm đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trước thực trạng giá phân bón liên tục tăng cao, một số ý kiến cho rằng cần phải ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Trao đổi với người viết, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng: "Việt Nam là quốc gia hàng đầu xuất khẩu lúa gạo và sử dụng phân bón. Trong nước cũng có nhiều công ty sản xuất phân bón nhưng khi phân bón sốt giá như thế mà tiếp tục xuất khẩu phân bón thì có phải làm cho giá phân bón càng tăng cao".

Đáng chú ý, theo ông Bình, một điều bất cập là trong khi giá phân bón không ngừng tăng cao thì giá lúa gạo lại trên đà sụt giảm, đây là điều bất công đối với người nông dân.

Còn theo ông Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, giá phân bón phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như thị trường giá nông sản tăng liên tục khiến nhu cầu tăng cao, giá bán nguyên liệu như lưu huỳnh và amoniac, giá dầu, giá cước vận chuyển tăng...

"Tôi rất đồng tính với đề xuất ngừng xuất khẩu phân bón để giữ lại nguồn cung cho thị trường trong nước. Vì nếu không mình cũng phải nhập khẩu về cho nông dân sử dụng thì lợi nhuận lại vào những nhà vận chuyển phân bón", ông Xuân chia sẻ.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên đề xuất ngừng nhập khẩu được bàn luận. Năm 2008, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón trong tình hình giá phân bón trên thị trường thế giới ở mức cao và giá trong nước thấp hơn. Khi đó, một số nước đã đưa thuế xuất khẩu phân bón lên cao, như Trung Quốc có thuế xuất khẩu phân bón là 135%.

Trong khi tại Việt Nam việc sản xuất phân urê được Nhà nước bù giá khí, than, không đánh thuế xuất khẩu phân bón. Do vậy giá phân bón trong nước trong tình trạng thấp hơn giá thế giới và có khả năng sẽ xuất hiện tình trạng xuất khẩu ngược phân bón ra nước ngoài để kiếm chênh lệch.

Đến năm 2010, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng kiến nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung, tránh giá phân bón có thể tăng đột biến.

Gần đây nhất, tại cuộc họp của Bộ NN&PTNT ngày 13/3/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã đề xuất Chính phủ nên xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất phân bón DAP, MAP để đảm bảo nguồn cung trong nước với giá bán hợp lý nhất.

Xuất khẩu phân bón nhiều lần bị kêu dừng nhưng vẫn khó thực thi - Ảnh 1.

Hiện công suất ba nhà máy DAP và MAP sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 70% tổng nhu cầu hàng năm của Việt Nam. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Đề xuất dừng xuất khẩu phân bón có khả thi?

Theo Bộ Công thương, Luật quản lý ngoại thương 2017 quy định rằng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với hàng hóa nhưng phải trong trường hợp mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán hoặc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật.

"Giá phân bón tăng trong thời gian vừa qua vì nhiều lý do khác nhau, như giá phân bón thế giới tăng, sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển, nhu cầu tăng... nhưng chưa có cơ sở khẳng định sự thiếu hụt về nguồn cung.

Do đó, việc tạm ngừng xuất khẩu phân bón ngay là chưa đủ cơ sở, các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp, hiệp hội cần có đánh giá cụ thể", ông Nguyễn Văn Thanh , Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) chia sẻ với báo Công Thương.

Theo số liệu của Bộ Công Thương năng lực sản xuất phân urê trong nước là 2,66 triệu tấn/năm, tiêu thụ khoảng 1,8 - 2 triệu tấn/năm, nên hoàn toàn đáp ứng nhu cầu và có thể xuất khẩu từ 500 - 660 tấn urê/năm.

Ngoài ra, hiện nay ba nhà máy sản xuất phân bón DAP và MAP của Việt Nam có công suất 710.000 tấn/năm, trong khi đó nhu cầu phân bón DAP và MAP của Việt Nam khoảng một triệu tấn/năm, do đó cơ bản ba nhà máy này đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước .

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước khi phân bón DAP và MAP nhập khẩu tăng 50% và sản xuất trong nước tăng 130%, trong khi đó nhu cầu cũng không phải quá lớn.

Từ khi có lượng sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu, mức tăng của phân bón DAP và MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu, giảm còn 8-10 triệu/tấn so với 14-15 triệu/tấn, chính là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường.

Còn theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA): "Lượng xuất khẩu chỉ chiếm lượng nhỏ trong tổng sản lượng phân bón của cả nước. Trong 6 tháng chỉ xuất hơn 600.000 tấn. Cả năm sẽ xuất dưới một triệu tấn trong khi tổng sản lượng đạt khoảng 7 triệu tấn, chỉ chiếm một phần nhỏ và không ảnh hưởng gì. 

Theo phản hồi của các doanh nghiệp, hiện các đơn hàng xuất khẩu phân bón chỉ là nhưng đơn hàng cũ, doanh nghiệp không ký các hợp đồng xuất khẩu mới để đảm bảo nguồn cung trong nước". 

Ông Hà cho biết thêm trong bối cảnh giá phân bón tăng và thiếu cục bộ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cũng như Hiệp hội phân bón Việt Nam đã có những khuyến nghị đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón. 

Cụ thể là phát huy hết công suất, giảm chi phí để tăng năng lực sản xuất và tránh hiện tượng tồn kho, đầu cơ trục lợi; đồng thời tăng cường liên kết kết để thúc đẩy năng lực sản xuất lên. 

"Riêng với doanh nghiệp về thương mại, chúng tôi cũng khuyến cáo cần tăng cường nguồn cung mới và liên kết doanh nghiệp sản xuất trong nước để tìm nguyên sản xuất thay thế cho DAP", ông Hà chia sẻ.

Ngoài ra, theo chuyên gia Võ Tòng Xuân, cùng với sự khuyến nghị từ cơ quan chức năng thì chính người nông dân cũng phải là người tiêu dùng thông thái. 

Theo đó, người nông dân cần điều phối các nguyên liệu đầu vào, vừa dùng phân bón hóa học và phân hữu cơ để giảm mức sử dụng phân bón vô cơ dưới 25%. 

Người dân cần tránh việc bón phân theo tập quán bởi như vậy sẽ mất cân đối, dẫn tới chi phí phân bón bị đội lên trong giá thành sản xuất. Ví dụ thay vì dùng DAP thì có thể bón phân lân, kali vì đây là những loại Việt Nam sản xuất được nên giá dù nhích lên sẽ vẫn hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, cần phải thận trọng, tránh ham rẻ, ham khuyến mãi để không mua nhầm phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Như Huỳnh