|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu nông sản sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm cả lượng và giá trị

14:14 | 03/10/2016
Chia sẻ
Trong những tháng đầu năm, nông sản của Việt nam xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng giảm cả về lượng và giá trị do gặp vấp phải sự cạnh tranh giá từ các các đối thủ lớn. 

Theo tin từ VietnamExport, Thổ Nhĩ Kỳ có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, nhất là gạo, điều, cà phê, cao su và hồ tiêu, để tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng như tái xuất sang các nước trong khu vực, .

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 3.100 tấn, tăng tới 82% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên không phải tất cả lượng gạo đều được Thổ Nhĩ Kỳ tiêu dùng trong nước mà chủ yếu để tái xuất. Ngoài ra, giá gạo bình quân 8 tháng xuất sang thị trường này cũng giảm còn 444 USD/tấn, bằng 85% so với cùng kỳ.

Đối với mặt hàng gạo xay xát, 7 tháng đầu năm, nhập khẩu gạo từ các nước vào Thổ Nhĩ Kỳ hầu hết giảm khá mạnh về giá trị, ngoại trừ gạo từ Campuchia và Myanmar. Đây là điểm đáng ý vì các nước này có chủng loại và chất lượng gạo cạnh tranh với hàng Việt Nam.

Đặc biệt, gạo Campuchia lần đầu tiên vào được thị trường này nhưng đã vượt qua Việt Nam về giá trị, tuy nhiên giá xuất khẩu của Việt Nam xuất được cao hơn, chỉ kém giá bình quân của Italia và Thái Lan.

Về tổng thể, Việt Nam đứng thứ 13 xuất khẩu lúa gạo vào Thổ Nhĩ Kỳ, riêng gạo đã xay xát Việt Nam đứng thứ 8. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này còn rất thấp do khó khăn về thị trường, khác biệt về chủng loại gạo và gặp sự cạnh tranh khốc liệt của các nước láng giềng trong ASEAN và Ấn Độ.

Cũng theo VietnamExport, 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đứng thứ 16 trong các nước xuất khẩu cà phê vào Thổ Nhĩ Kỳ, giá trị đạt 174.600 USD, giảm 24% so với cùng kỳ. So với cùng kì, lượng cà phê nhân nhập khẩu từ Việt Nam giảm 17,9% về lượng và 28,9% về giá trị.

Các doanh nghiệp nước này chủ yếu nhập khẩu cà phê nhân Arabica để chế biến ra cà phê Thổ Nhĩ Kỳ nên hàng Robusta của Việt Nam vào được thị trường rất ít.

Theo thương vụ Việt Nam, hàng cà phê chế biến của Việt Nam vẫn chưa thể vào được nước này dù Thương vụ đã tham gia Lễ hội Cà phê Istanbul năm 2015 để giới thiệu cà phê nhân và sản phẩm cà phê của Việt Nam. Thương vụ đã giới thiệu được một số khách hàng nhập khẩu trao đổi với Trung Nguyên về phân phối cà phê nhưng vẫn chưa có kết quả.

Tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu cao su sang Thổ Nhĩ Kỳ với giá trị đạt 15,1 triệu USD. Nguyên nhân giảm xuất khẩu là do sức cạnh tranh yếu với các nước khác trong ASEAN. Đặc biệt, khó cạnh tranh với hàng của Malaixia do nước này được áp mức thuế nhập khẩu thấp hơn 3% so với hàng của Việt Nam theo quy định của FTA giữa nước này và Thổ Nhĩ Kì.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa quy định áp đặt thuế nhập khẩu bổ sung với các mặt hàng lốp xe ở mức thuế 21,8%, gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam như DRC và Casumina.

VietnamExport cũng cho biết, Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu hạt điều vào Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm nay và cạnh tranh với hàng Việt Nam do giá thấp hơn nên đã chiếm hơn 10% thị phần. Một số các nước mới xuất khẩu vào nước này trong năm gồm Uzbekistan, Kyrgyzstan, UAE, Mozambique. Bởi vậy, điều của Việt Nam càng khó khăn hơn.

Trong 7 tháng đầu năm, lượng điều thô nhập từ Việt Nam giảm tới 27,1 % nhưng tăng 3,1% về giá trị so với cùng kỳ

Hồng Vũ